THÓI QUEN THỨ NHẤT: SỐNG CHỦ ĐỘNG! • 4 7
Cuối cùng tôi quyết định là phải suy xét kỹ lưỡng, dàn xếp,
nhìn nhận nghiêm túc vấn đề của mình. Và rồi tôi đã nhận
thức được hai nguyên nhân sâu xa khiến tôi có hành vi gay gắt
và tiêu cực như vậy.
Đầu tiên, đó là những trải nghiệm từ thuở ấu thơ đã tác
động đến thái độ và hành vi của tôi. Tôi bắt đầu nhận ra chính
cách thức nuôi dạy của cha mẹ đã để lại trong tôi những vết sẹo
tâm lý. Ngôi nhà tuổi thơ của tôi đầy những rạn nứt. Tôi nhớ
là chưa từng thấy cha mẹ ngồi nói chuyện với nhau vì họ luôn
bất đồng quan điểm. Hoặc là họ cãi nhau, hoặc đánh nhau,
hoặc đường ai nấy đi và giữ thái độ im lặng. Cuối cùng cuộc hôn
nhân của cha mẹ tôi đi đến chỗ kết thúc.
Vì thế, khi gặp phải những vấn đề rắc rối tương tự xảy ra
trong chính gia đình mình, tôi không biết phải xoay xở thế nào.
Tôi không có một hình mẫu nào để làm theo. Thay vì tìm ra
một khuôn mẫu hay tự tìm cách giải quyết, tôi lại trút hết
những thất vọng và bối rối lên con cái. Mặc dù không thích
“giận cá chém thớt”, tôi nhận ra chính tôi lại đang đối xử với
các con theo như cách của bố mẹ đối xử với tôi trước đây.
Nguyên nhân thứ hai, đó là tôi muốn thông qua cách cư xử
của con cái để giành thiện cảm của mọi người. Tôi muốn mọi
người yêu mến tôi vì lũ trẻ nhà tôi có hành vi tốt. Tôi luôn lo sợ
bọn trẻ sẽ khiến tôi phải xấu hổ khi bước ra bên ngoài khung cửa
gia đình. Chính vì không tin tưởng vào bọn trẻ nên tôi đã đe
nẹt, uốn nắn, bắt chúng phải cư xử theo cách mà tôi muốn. Tôi
bắt đầu nhận ra việc tôi luôn cố gắng giữ thể diện cho mình đã
khiến con tôi không thể trưởng thành và sống có trách nhiệm.
Oái oăm thay, cách tôi dạy dỗ lại gây ra điều mà tôi vô cùng lo
sợ: bọn trẻ bắt đầu có những hành vi vô trách nhiệm.
Hai nguyên nhân trên giúp tôi hiểu ra: tôi cần phải tự mình
giải quyết, thay vì bắt người khác phải thay đổi. Tuổi thơ bất
hạnh khiến tôi phần nào có thái độ tiêu cực, nhưng cũng không