Asmah. Vào lúc đó đức Tuệ Minh nói rằng Ngài phải đi ngay đến chỗ hẹn.
Thể Xác Ngài bèn trở nên cứng đơ, nằm yên như người ngủ trên nệm. Ngài
nằm trên tư thế đó độ chừng ba tiếng đồng hồ, cái Thể Xác trở nên lu mờ
dần và biến mất. Đó là giờ phút mà đức Tuệ Minh tiếp đón chúng tôi vào
buổi chiều tại quán trọ làng Asmah.
Mùa này chưa thuận tiện để cho chúng tôi vượt qua các truông núi. Ba
người bạn cao cả của chúng tôi có thể vượt qua các đoạn đường núi một
cách dễ dàng và mau chóng hơn chúng tôi nhiều, nhưng không có vị nào
phàn nàn về sự chậm trễ này. Tôi gọi các vị ấy là cao cả, bởi vì họ thật sự
xứng đáng với danh từ ấy do đức hạnh của họ.
Tại Asmah, chúng tôi đã xuất hành nhiều lần đi ra các vùng chung
quanh, có khi thì đi với Dật Sĩ, có khi đi với Nê Bưu. Mỗi lần như vậy, họ
đều chứng tỏ những đức tính quý báu. Một trong những chuyến ngao du
này nhằm mục đích viếng thăm một làng trong đó có một ngôi đền gọi là
Đền Im Lặng. Làng này gồm có ngôi đền và nhà cửa của những người giúp
việc công quả trong đền. Trước kia, vùng này là nơi tọa lạc của một làng
khác đã hầu như hoàn toàn bị tàn phá bởi các bịnh truyền nhiễm và loài thú
dữ. Đức Tuệ Minh, dật Sĩ, Nê Bưu cùng đi với chúng tôi và nói cho chúng
tôi biết rằng thuở xưa kia khi các Chân Sư đến viếng nơi này, các Ngài chỉ
thấy có một thiểu số lưa thưa những người còn sống sót trong số ba ngàn
dân cư trong làng. Các Ngài săn sóc họ, và sau đó những thú dữ và bịnh tật
đều biến mất. Những kẻ sống sót mới cầu nguyện rằng trong trường hợp họ
được bình yên, họ sẽ xin lập công quả suốt đời và phụng sự trong bất cứ
công việc nào do Thượng Đế sắp đặt. Các Chân Sư bèn ra đi, và về sau khi
các Ngài trở lại, các Ngài thấy ngôi đền này được dựng lên và những dân
làng sống sót trước kia chăm lo việc công quả thờ phượng trong đền.
Đó là một ngôi đền rất đẹp, xây trên một ngọn đồi cao, ngự trị khắp vùng
chung quanh. Đền xây bằng đá trắng và đã có từ sáu ngàn năm nay. Nó
không bao giờ cần có một sự tu bổ nào.