“Original sin” (Tội tổ tông), anh triệu phú bị người tình lừa đảo đến
tán gia bại sản, bị bày mưu cho uống thuốc độc mà vẫn nhắm
mắt nhắm mũi uống. Bị hành đến thân tàn ma dại mà chàng chỉ
có mỗi biện pháp trả thù duy nhất là tát cho cô người tình hai cái để
rồi… tiếp tục yêu. Đàn ông dù cho bị đối xử tàn tệ đến cỡ nào,
cũng không bao giờ được trả thù đàn bà. Ấy là luật bất thành văn,
nếu không thế, anh sẽ trở thành “đồ đàn bà”. Có phải vì vậy mà
trong thần thoại Hy Lạp mới có nữ thần Xung đột và Bất hòa Eris,
nữ thần Báo thù Nemesis. Khi sáng tạo ra thế giới của các vị thần,
chẳng cổ nhân nào để cho nam thần đi báo thù và gây bất hòa cả.
Đàn bà có thể phản bội tình yêu vì một vài lý do mà vẫn hợp lý.
Đàn ông thì không thể. Trong văn học, đàn bà trung thành với Tổ
quốc và bắn chết người tình (Người thứ 41), nhưng đàn ông thì thà
tự sát và quay lưng với Tổ quốc còn hơn để người thương rơi vào tay
những đồng đội khát máu (Thiếu nữ đánh cờ vây).
Đàn bà độc ác và tàn nhẫn vẫn tạo được hình ảnh đẹp trong nghệ
thuật. Nhân vật nữ nhà văn Catherine Tramell (Phim “Bản năng
gốc”) là một ví dụ điển hình. Mặc dù gây ra vô số những vụ án giết
người man rợ và bệnh hoạn, cuối cùng nàng vẫn thoát tội bên người
tình yêu nàng say đắm dù anh ta biết rõ người bên cạnh mình là kẻ
sát nhân (thám tử Nick Curran, người điều tra những vụ án mạng do
Tramell gây ra). Bộ phim sau đó nhận được nhiều đề cử Oscar và
Quả cầu vàng. Ấy nhưng đàn ông mà tàn nhẫn, bội bạc và lừa đảo
đàn bà trên màn bạc thì sẽ không khán giả bình thường nào tiêu hóa
nổi bộ phim đó.
Đàn bà đôi khi vẫn rời bỏ đàn ông lúc cùng quẫn mà không gây ra
quá nhiều oán trách. Đàn ông thì không bao giờ được phép bỏ rơi
đàn bà trong bước đường cùng, ấy chẳng phải bậc anh hùng mã
thượng.