Đàn bà có thể ngoại tình mà vẫn được thương xót, tôn vinh, như
Anna Karenina (tác phẩm cùng tên của Lev Tolstoi), bà Bovary (tác
phẩm cùng tên của Gustave Flaubert), Aksinia (Sông Đông êm đềm
– Mikkhail A. Sholokhov), Constance Chatterley (“Người tình của
phu nhân Chatterley” – D.H. Lawrence), Lara (Bác sĩ Zhivagor –
Boris Pasternak), De Rênal (“Đỏ và đen” – Stendhal), Katharine
Clifton (Bệnh nhân người Anh – Michael Ondaatje), Francesco
(Những cây cầu ở quận Madison” – Robert James Waller)… Các tác
gia rất hứng thú miêu tả chuyện tình cay đắng, nghiệt ngã, bi kịch,
đầy xót thương nhưng cũng tuyệt đẹp của những người đàn bà có
chồng chứ chẳng mấy ai muốn viết về câu chuyện tình khốn
khổ của một cô gái với người đàn ông có vợ, một chủ đề trần tục
không mấy lãng mạn có lẽ chỉ phù hợp với những tạp chí hạnh phúc
gia đình. Đàn ông ngoại tình, không mấy khi được cho là một tình
yêu thực sự mà phần nhiều bị liên tưởng đến tình dục đơn thuần
và thói trăng hoa, tham lam của đàn ông. Có lẽ vì thế chăng mà các
nhà văn không có cảm hứng ở những câu chuyện “trong ngoài” của
các đấng mày râu.
Như vậy, đàn bà được mặc định làm rất nhiều việc… xấu mà
không ảnh hưởng gì đến thể diện đàn bà. Còn đàn ông, có lẽ chỉ một
hành động giống đàn bà duy nhất được coi là đẹp và sẽ dễ được cảm
thông, dễ gây xúc động (ấy nhưng cũng đừng lạm dụng quá), là khi
“Người đàn ông trong anh bật khóc” (Trích ca khúc “Em sẽ đến” –
Lương Hải).
Có lẽ cha sinh mẹ đẻ, tính cách của đàn ông vẫn luôn đẹp hơn đàn
bà nên rất nhiều phụ nữ nổi tiếng tự nhận “Tính cách tôi rất đàn
ông”, có lẽ hàm ý rằng cô ta quyết đoán, mạnh mẽ, khoáng đạt,
ngang tàng, bản lĩnh, không lèm bèm chăng? Còn có mấy đàn ông
dại mà bảo “Tính cách tôi rất… đàn bà”.