Cho đi và nhận về
Trong quyển sách The Circle of Innovation, Tom Peters kể một câu chuyện
về người đồng nghiệp Allen Puckett tại McKinsey chuyên thu nhận các tác
giả, những nhà tư tưởng hàng đầu, và nhiều người khác nữa vào trong cái
mà ông gọi là “trường đại học cá nhân” của riêng ông. Khi ông đọc được
một bài báo hoặc một quyển sách hay, Peters cho biết ông sẽ gọi đến tác giả
một cách bất ngờ và mời họ đến dự bữa ăn tối. Bạn sẽ ngạc nhiên như thế
nào khi thấy người ta đón nhận sự quan tâm đến các tác phẩm của họ, và
kèm theo đó là lời mời ăn tối nữa.
Trên con đường sự nghiệp, khi nào gặp vấn đề, ông sẽ gọi điện cho một
trong những tác giả hay nhà tư tưởng, “giảng viên khoa” của ông, những
người có kiến thức chuyên môn phù hợp với vấn đề hiện tại, và chắc chắn họ
sẽ giúp ông thoát ra khỏi rắc rối. Chuyện này xảy ra hàng chục năm trước
đây rồi. Ngày nay, với sự xuất hiện của Internet, nhận về sự quảng đại dạng
này đã dễ dàng hơn.
Tôi có một ví dụ sau. Pervin Shaikh là một nhà nghiên cứu tài chính tại
London và là người hâm mộ phim ảnh tiếng Hindi của Ấn Độ. Theo thời
gian, cô ấy đã làm bạn với những người hâm mộ phim Hindi trên khắp thế
giới thông qua blog của một diễn viên và nhà sản xuất phim nổi tiếng tại
Mumbai. Cuối năm 2007, Pervin cùng với mười tám người quen khác qua
blog đã đề ra thử thách “Một mục tiêu, Một giấc mơ, 2008”. Ý tưởng là gì?
Mỗi người sẽ xác định một mục tiêu nghề nghiệp chính yếu mà mình hăng
hái muốn đạt được trong năm sắp đến - những mục tiêu này có thể là viết
một kịch bản hay làm giáo viên hay mở nhà hàng - và mọi người khác sẽ
nhảy vào giúp đỡ, khuyến khích động viên hay cho lời khuyên, gợi ý, người
liên hệ, vân vân.
Nhìn sơ qua, ý tưởng này có vẻ không thể quản lý được, nhất là khi thành
viên trong nhóm đến từ khắp nơi trên thế giới: Singapore, Australia, Ấn Độ,
Áo, Mỹ, Canada, Malaysia, Anh, Thụy Sĩ. Sự thật là những người này chưa
bao giờ gặp mặt nhau, và khi tôi đang ngồi viết những dòng này, họ đang lên
kế hoạch tổ chức gặp mặt ăn mừng rất lớn vào cuối năm 2008. Tuy thế,