Trong khoa học có một thuật ngữ miêu tả tình huống này “lệ thuộc bắt buộc
- obligatory interdependence”, một cụm từ do nhà tâm lý xã hội học
Marilynn Brewer giới thiệu trên tạp chí Journal of Social Issues từ năm
1999. Giả thuyết của Brewer là con người muốn tồn tại trong lâu dài phải lệ
thuộc vào người khác để được giúp đỡ, thông tin, và chia sẻ nguồn lực - và
chúng ta sau đó phải chia sẻ với nhiều người khác. Cá nhân hay nhóm đều
cùng trải qua tình trạng như nhau. Lợi ích cá nhân tùy thuộc vào nhóm có
sẵn sàng giúp đỡ ta như ta đã làm cho họ không. Đây là một quá trình mang
tính hợp tác. Nó đòi hỏi phải có sự tin cậy - nhưng với một chút khéo léo.
Brewer không ủng hộ việc tin cậy tất cả mọi người; sự quảng đại, theo bà,
còn tùy thuộc vào khả năng người kia có quảng đại với ta không.
Tất cả những điều này cho thấy cả hai sẽ hưởng lợi nếu chúng ta mang thành
công đến cho nhau. Mặc dù chúng ta có thể không nhận ra, nhưng chính sự
sẵn lòng “cho đi và nhận về” này tạo ra một sự qua lại tuyệt vời trong mối
quan hệ.
Vậy thì làm thế nào bạn vượt qua được những cảm xúc tiêu cực đáng sợ cố
hữu thường đi kèm với việc đóng vai người nhận sự quảng đại của người
khác? Đơn giản thôi: Hãy đặt mình vào vị trí của người cho. Những nghiên
cứu gần đây của Francis J. Flynn và Vanessa K.B. Lake trên tạp chí Journal
of Personal and Social Psychology gợi ý rằng khi chúng ta không hiểu rõ về
tư duy của người sẽ yêu cầu giúp đỡ, chúng ta có thể ngại ngùng khi yêu cầu
giúp đỡ vì chúng ta tin một cách sai lầm rằng họ sẽ nói không. Những người
tham gia vào các nghiên cứu đoán sai khoảng 50% trường hợp khi họ cho
rằng người ta không đồng ý trước một lời yêu cầu giúp đỡ thẳng thắn.
Hãy suy nghĩ thật kỹ về điều này: Bạn cảm thấy thế nào khi một người bạn
thật sự quan tâm đến hỏi ý kiến của bạn? Bạn có cảm thấy bực mình không?
Bạn có cảm thấy bị lợi dụng không? Không hề - bạn cảm thấy thật vinh dự!
Người ta thích cảm nhận được giá trị của lời khuyên của mình, rằng người ta
đang góp phần làm thay đổi nhau, rằng người ta được cần đến và được trân
trọng.