mỗi khi bạn bước chân vào một căn phòng đầy người. Bạn nhìn thấy ai đó,
họ nhìn thấy bạn, và cả hai cân nhắc suy nghĩ về nhau. Bạn đang đánh giá
người kia.
Thành kiến đơn giản là một phần của con người. Bộ não chúng ta đã được
lập trình như thế. Hãy nghĩ về nó theo hướng này: Mỗi ngày chúng ta tiếp
cận rất nhiều thông tin. Khuôn mẫu là một hình thức đi tắt cho phép não bộ
hoạt động hàng ngày trong một thế giới ngập tràn thông tin. Hàng ngàn năm
trước đây, một nhận xét trong tích tắc “Bạn hay Thù?” có thể giúp tổ tiên
chúng ta bảo toàn tính mạng. Kết quả là chúng ta ngày nay vừa là nạn nhân
vừa là người phạm tội thành kiến.
Gần đây tôi được vinh hạnh phát biểu trước một hội nghị sinh viên năm nhất
tại Yale. Sau bài phát biểu của tôi, trong đó tôi có đưa ra một vài bài tập
nhằm khuyến khích sự hỗ trợ lẫn nhau, một sinh viên người Mỹ gốc Phi rụt
rè tìm đến tôi. “Cám ơn ông nhiều lắm,” cô ấy nói. Nhưng tôi có thể cảm
nhận được rằng cô ấy muốn nói điều gì khác hơn là chỉ lời cảm ơn suông mà
thôi. “Tôi biết tất cả các bạn trong khóa học đều nghĩ rằng tôi là người căm
ghét xã hội và kỳ quặc vì tôi không nói chuyện với họ và tôi mặc cùng một
bộ quần áo ngày qua ngày. Nhưng lý do tôi không nói chuyện với ai là vì tôi
thấy xấu hổ khi nói với mọi người rằng cho đến ngày tôi vào trường thì tôi
là một kẻ không nhà. Tôi sống trong một chiếc xe hơi với mẹ và em trai. Mẹ
tôi bị mất việc và đã làm mọi cách có thể nhưng cuối cùng chúng tôi cũng bị
ném ra khỏi căn hộ, quần áo chúng tôi vẫn còn nằm trong đó. Đây là tất cả
những gì tôi có”.
Cô ấy nói tiếp: “Dẫu sao, cuối cùng tôi cũng đã đủ can đảm chia sẻ câu
chuyện cuộc đời mình với một anh chàng da trắng giàu có ở Greenwich.
Anh ta trông có vẻ là người chẳng có gì phải lo trong đời. Nhưng khi anh ta
nghe qua câu chuyện của tôi, anh ta bật khóc. Anh ta kể rằng trong cuộc đời
mình, anh ta luôn bị cha mình đánh, trong khi mẹ lại chẳng làm gì để bảo vệ
anh ta cả. Anh ta thật hạnh phúc được thoát ra khỏi ngôi nhà ngột ngạt ấy.
Vì vậy tôi muốn nói là ta chẳng bao giờ biết được về người khác”.