Trong trạng thái cao siêu huyền diệu ấy, tâm ở với Giáo Pháp và Giáo
Pháp ở với tâm, tâm là Giáo Pháp và Giáo Pháp là tâm. Đó là trạng thái nơi
(hay ta có thể nói là khi) cả Giáo Pháp và tâm đồng hóa thành một
(ekibhāva), không còn nhị nguyên, không còn sự giả định hay định nghĩa
của thế gian, không còn thời gian, không gian, hay ngũ uẩn, thậm chí đến
hạnh phúc và đau khổ theo ý nghĩa được hiểu trong thế gian cũng không
còn. Giờ phút nào mà tâm không xuất ra khỏi trạng thái này thì những đặc
tính vô thường, liên tiếp biến chuyển và vô ngã, không thể chen chân vào để
quấy rầy, không kể đó là hàng ngày, hàng tháng, hàng năm hàng thế kỷ hay
thiên niên kỷ.
Trạng thái này là sự dập tắt hoàn toàn thế gian phàm tục trong ý nghĩa đã
được hàm xúc ở phần trên. Khi những gì phàm tục, như những thành phần
của tâm trong lúc bấy giờ tan rã, tâm đã tới được trạng thái Chấm Dứt Đau
Khổ không còn nhớ gì và trở thành chính trạng thái ấy (ekidhamma – là
một). Theo lý thuyết, điều này chỉ ra cái có thể xảy ra. Nhưng trong thực tế,
trạng thái cao diệu này dùng để tạm thời nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng tâm trí,
không cần phải nhập vào trạng thái ấy cả năm, hay cả thế kỷ. Cũng giống
như thời gian một giấc ngủ đối với người thường, trong lúc chìm đắm trong
giấc ngủ thì ta không còn hay biết gì đền sự việc bên ngoài. Đến khi tỉnh
giấc, tâm mới hay biết. Tuy nhiên, dù nhập tâm vào một trạng thái an tĩnh
của một giấc ngủ bình thường hay vào trạng thái chấm dứt đau khổ, vẫn còn
nằm trong phạm vi của thế giới trần tục, trong khi (trong trường hợp này,
tâm của) Ngài Acharn đã vượt ra khỏi cảnh giới thế gian ấy.
Khi tâm trở nên tuyệt đối trong sạch thì không có gì trên thế gian phàm
tục này có thể quấy rầy, phiền nhiễu. Tâm lúc nào cũng ở trong trạng thái
giải thoát, trong khả năng của nó như tâm vô thời gian. Nó vượt ra ngoài
mọi khái niệm và mô tả của ngôn ngữ trần gian và vượt qua mọi khả năng
tưởng tượng của tâm phàm tục thông thường. Trong trạng thái an chỉ định
mà không gì của thế gian phàm tục có thể chen vào, không thể có sự kích
thích hay liên hệ dính mắc, cũng không có phản ứng. Chỉ đến khi xuất ra
từng phần để nhập vào tầng thiền cận định thì mới có thể có sự phản ứng
hay sự hay biết (trong tầng thiền cận định ấy).