đình được thể hiện không chỉ qua những cái ôm, hay nụ hôn mà còn
được thể hiện khi người cha chỉ cho đứa con nhỏ nhìn về phía trước,
khi người cha cúi đầu nghe đứa con nhỏ thì thầm, hay khi người chị
nâng đỡ cô em đang buồn bã. Vượt lên trên những định nghĩa quen
thuộc, tình yêu được Vigeland định nghĩa là niềm hy vọng, sự lắng
nghe, sự chở che và chỗ dựa.
Phía cuối cầu, ở nơi khiêm tốn nhất lại là bức tượng nổi tiếng
nhất của Vigeland: Sinnataggen, hay còn được biết đến với tên:
Chú bé giận dữ. Giữa không gian thanh bình, tràn ngập yêu thương
của các bức tượng xung quanh, Sinnataggen tưởng như lạc lõng đến
khó hiểu. Thế nhưng, người dân địa phương giải thích rằng chú bé
giận dữ vì chú ghen, giận khi thấy những bạn bè khác có cha mẹ
chăm sóc, còn chú bé chỉ đứng một mình. Bên cạnh 57 bức tượng về
tình yêu, một bức mang lòng hờn ghen. "Dường như bản chất của
tình yêu cũng như thế, một chút hờn ghen khó bỏ nhưng những
người biết yêu vẫn cố gắng giấu kín trong lòng, như cách Vigeland
giấu bức tượng Sinnataggen sau những hàng tượng khác", tôi bước đi
tiếp với những vẩn vơ của mình.
Khu trung tâm của Vigeland là quần thể tượng đôi và cột tượng
lớn cao 14,12m gồm 121 tạo hình. Trong khi các tượng đôi xung
quanh thể hiện sự giao cảm về tinh thần (tựa lưng, chạm đầu, cùng
hướng về một phía) thì cột tượng lại thể hiện sự giao cảm về thể xác
khi các tạo hình người cuốn lấy nhau và cuốn lấy thân cột. Các tạo
hình uốn lượn uyển chuyển đến mê dại, rồi cứ thế dẫn dắt tầm
nhìn của người chiêm ngưỡng chạm tận trời xanh như thể cuộc vui và
đam mê kéo dài bất tận. Không ít người dân Na Uy còn gọi công viên
Vigeland là công viên sexy cũng vì chiếc cột này. Thế nhưng, thú vị
hơn nữa khi một người bạn Na Uy của tôi kể về phát hiện của anh: Dù
là cột tượng gợi về tình dục nhưng thực sự 121 tạo hình người, không
một tạo hình nào đang làm tình hay có những va chạm thực sự. Từ
phát hiện đó, tôi đứng một mình trong suy tưởng về tình dục cảm