giác, khi bữa tiệc yêu đã vượt qua những tiếp xúc cơ học để thăng hoa
trong cảm xúc và tâm hồn. Chỉ suy tưởng đó thôi cũng làm tôi say mê
không rời được Vigeland dù bóng tối lúc đó đã bao trùm cả công viên
và dường như những bức tượng cũng thu mình vào không gian riêng
của chúng.
Công viên Vigeland giờ đây không còn là xưởng sáng tạo của
Gustav Vigeland. Ông đã qua đời năm 1943 khi trăm ngàn ý tưởng còn
dang dở. Thậm chí Vigeland còn có hẳn một bức tượng người cha lúng
túng bế cùng một lúc nhiều đứa con để thể hiện hàng trăm ý tưởng
đang dằn vặt người nghệ sỹ. Ngày nay công viên này được mở cửa
miễn phí cho công chúng cả ngày lẫn đêm và vẫn như Vigeland khi
còn sống mong muốn: không có dòng chú thích, lý giải nào được
đề bên mỗi bức tượng. Hàng năm, cũng như tôi, hơn một triệu lượt
khách đã đến đây, nghiền ngẫm hơn một triệu suy tưởng, kể cả đến
khi đã rời xa Oslo.
Oslo kiêu hãnh
Hình như Oslo muốn chia tay tôi theo cách tự tin nhất.
Sau mấy ngày âm u, ảm đạm, ngày cuối cùng, tôi chứng kiến
Oslo tỏa sáng. Ánh nắng chan chứa long lanh trên bến cảng, trên
tuyết và trên những mạn thuyền. Cả thành phố như được dát bạc.
Trên đường, những người Oslo bận rộn, chân bước nhanh nhưng
không ai cúi đầu. Những gương mặt Bắc Âu ngẩng cao, ánh lên
niềm tự hào khó tả.
Oslo kiêu hãnh kể với Thế giới câu chuyện về cô gái bình thường
đặc biệt.
• Tại Oslo, tôi tìm lại được một phần gia đình lưu lạc. Bác gái tôi
định cư ở Na Uy đã 30 năm. Bác sống cùng một cựu phi công người
Na Uy. Dù không có liên quan máu thịt nhưng ông thương tôi như