- Tôi đã khai rõ: tôi vẫn là một cán bộ hoạt động hợp pháp dưới cái vỏ
bọc một dân nghèo ở một ấp ven thành chuyên đi làm thuê hoặc nề, hoặc
mộc có khi dạy học tư, có khi làm thư ký nhà buôn. Vợ tôi thì trồng rau,
trồng hoa. Nhiệm vụ mà phân khu giao cho tôi làm công tác dân vận, là để
thu lượm tin tức về địch. Để gây được tín nhiệm, tôi đã thường xuyên cung
cấp tin tức về phân khu. Những tin tức ấy đều xác thực, nhưng thực chất, tôi
đã tự thú, toàn là những tin vặt vãnh. Ít có tin quý!
Võ Trần ngắt lời Ba Tín:
- Ông làm cán bộ dân vận vậy ông có bao nhiêu cơ sở và những cơ sở
nào?
Mẫn gật đầu. Theo anh, đây là một câu hỏi rất sắc, chính anh cũng chưa
kịp nghĩ ra:
- Nói chung, tôi không có cơ sở, là vì thực chất tôi có làm công tác dân
vật thật hết lòng cho cách mạng đâu, mà cần phải lăn lộn xây dựng cơ sở?
Tôi thú thực như vậy. Tôi về phân khu báo cáo là có nhiều cơ sở, nhưng
toàn là báo cáo láo cả. Các vị lãnh đạo đều tin hết. Cho tới 1969 cách mạng
cũng nhận định tình hình đã có chuyển biến. Do đó song song với việc đẩy
mạnh các hoạt động quân sự, cách mạng cũng tích cực chuẩn bị cho một
giải pháp chính trị hòa giải và hòa hợp. Do đó công tác chuẩn bị cơ sở trong
quần chúng đã được quan tâm nhiều hơn trước. Cũng vì vậy tôi đã được hối
thúc hơn bao giờ hết về việc xây dựng cơ sở quần chúng, không những hối
thúc mà đã nhiều lần các vị lãnh đạo còn đòi hỏi tôi: nếu có những cơ sở
vững và có vị trí, có ảnh hưởng tốt trong quần chúng, cần đưa vào mật khu
để các đồng chí ấy trực tiếp tiếp xúc. Bởi thế tôi đã phải buộc lòng xây
dựng lấy một cơ sở để có cái mà báo cáo. Nói cho chính xác hơn: tôi đã xây
dựng được một số cơ sở. Cũng không ngờ, lúc đầu tưởng chỉ để có cái mà
báo cáo, nhưng rồi những cơ sở ấy lại hoạt động tốt ngoài cả ý định của tôi.
Và nhờ đó, tôi càng được lãnh đạo tin cậy.
- Là những ai vậy? Bây giờ các cơ sở ấy còn không, và ở đâu?