- Thưa, có phải ai đâu xa lạ. Đó là anh Lê Vi hiện nay. Còn một anh nữa
thì đã chết từ 1972.
Không khỏi ngạc nhiên Mẫn hỏi:
- Sao? Ông nói sao? Anh Lê Vi và một người nữa?
- Dạ, thưa phải! Nhưng xin các anh lưu ý cho, đừng lầm: tôi nói là cơ sở
thứ thiệt, cơ sở hoạt động cho cách mạng, chứ không phải là “lưới”. Các cơ
sở ấy đã bị tôi dùng làm “bình phong” để giữ tín nhiệm với cách mạng.
Mẫn nhắc:
- Ông nói rõ lại xem sao?
Ba Tín lại cất cái giọng đều đều và trầm đục, kể lại rằng năm 1969, sau
khi được chỉ thị phải tích cực đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, nhất là những
cơ sở có thể có tác dụng trong những trường hợp sau này có bầu cử hoặc có
chính phủ liên hiệp ba thành phần, Ba Tín trở về điểm mặt lại những người
quen biết, thấy loại “lôm côm” nhiều hơn là những người có uy tín, có ảnh
hưởng tốt trong quần chúng. Đang lúc phân vân thì tình cờ một buổi đi
đường, Ba Tín gặp Vũ Nhâm một cán bộ bị tù cùng thời với Ba Tín ở Côn
Đảo… Hai người gặp nhau rất mừng, đưa nhau tới một công viên vắng trò
chuyện. Vũ Nhâm cho biết sau khi Tín được tha độ bốn tháng thì đến lượt
Vũ Nhâm. Anh quay trở về quê ở một tỉnh thuộc Cực Nam Trung Bộ.
Nhâm đã bắt liên lạc được với Đảng khá thuận lợi. Vũ Nhâm đã tham gia
công tác xây dựng cơ sở vũ trang ở địa phương. Tết Mậu Thân, anh chỉ huy
một đại đội biệt động đánh chiếm được một nửa thị xã. Sau đó địch phản
kích, đơn vị thiệt hại gần hết. Cuộc tập kích chiến lược kết thúc, thì cũng là
lúc địch phản công, càn quét trên toàn lãnh thổ. Cơ sở cách mạng tan vỡ
gần hết, từ nội thành tới nông thôn. Bộ đội chủ lực phải chạy giạt sang đất
bạn. Nhâm cố ở lại, hoạt động ở ven thành, nhưng suýt mấy lần bị bỏ mạng.
Cuối cùng sức ép của địch quá mạnh, Nhâm mất hết liên lạc với đảng bộ địa
phương, phải bạt lên Sài Gòn. Ở Sài Gòn cũng không yên, phải bạt tới
thành phố Z, Vũ Nhâm mới tới đây được nửa năm, đang làm thuế cho một