Mẹ Thái cứ nghĩ sau sáu tháng học đó, kiến thức tiếng Pháp của Thái sẽ
tuyệt vời. Nhưng cô có biết đâu là chất lượng tốt như vậy chỉ phù hợp với
những học sinh đã có lưng vốn tiếng Pháp kha khá, cộng với cái rất cơ bản
nữa là chăm chỉ, chịu khó, mày mò học hỏi, có phương pháp học và giao
tiếp thật nhiều. Ban đầu, Thái cũng chăm đi học để vừa lòng mẹ, nhưng nào
có học nổi, kham nổi cái chương trình nặng nề ấy.
Vậy rồi, Thái nản dần. Có những hôm, Thái sợ không viết được bài để trả
thầy, Thái trốn học. Thái không dám nói với mẹ điều ấy vì sợ mẹ buồn.
Mỗi lần Thái đi học về, mẹ Thái lại chuẩn bị những món ăn ngon để bồi bổ
cho Thái.
Sáu tháng học trôi qua, Thái chẳng lấy được cái chứng chỉ nào cả. Cực
chẳng đã, mẹ Thái lại cho Thái ghi danh học tiếp một khoá nữa. Lần này,
Thái có tiến bộ hơn về khẩu ngữ. Sau sáu tháng học tiếp, Thái nói tiếng
Pháp trôi chảy hơn nhưng những bài viết bằng tiếng Pháp vẫn chẳng cải
thiện được là bao. Khi ghi danh vào trường đại học, lẽ ra Thái phải làm một
bài kiểm tra viết về ngữ pháp như tất cả các sinh viên nước ngoài đến Pháp
học, song Thái chỉ phải tham dự cuộc phỏng vấn xét duyệt vào trường đại
học thôi, bởi vì Thái là con cán bộ đối ngoại. Thái đã vượt qua cuộc phỏng
vấn ấy. Vậy là, sang năm thứ hai ở Pháp, Thái là sinh viên năm thứ nhất
khoa Kinh tế, trường đại học Sorbonne ở Panthéon, Paris.
Khi học kỳ I kết thúc, Thái tham dự đủ các môn thi, nhưng 9/12 môn thi
không đạt điểm. Thái thấy nản. Vào trường, Thái được biết, ở các trường
đại học, năm thứ nhất là năm thanh lọc. Có những trường chỉ có 30% sinh
viên đủ tiêu chuẩn học tiếp lên năm thứ hai. Phần thì thấy khả năng của
mình không theo nổi, phần thì thiếu nghị lực, không tự giác, không chịu
học hỏi. Thái không theo học nữa, cứ để cho năm học trôi tuột đi (thường ở
các trường đại học như vậy, khoa tổ chức những giờ giúp sinh viên yếu các
môn học, do các sinh viên giỏi đang học những năm trên hay sinh viên mới
ra trường được giữ lại làm giáo viên, đảm nhận).