Sau khi tốt nghiệp đại học ở xứ sở sương mù, không xin được việc, chị
ấy sang Pháp xin học tiếp và lập nghiệp tại đây . Sau ba năm, có bằng cử
nhân kế toán của Pháp, chị ấy xin được việc làm tại một công ty kinh doanh
bất động sản. Khi đã cầm trong tay bản hợp đồng vô thời hạn do tổng giám
đốc công ty này ký, chị đến Sở Cảnh sát để nộp hồ sơ, xin chuyển giấy tờ
từ chế độ sinh viên sang chế độ người làm công ăn lương. Nhân viên tiếp
chị hôm đó là một người phụ nữ trung tuổi, trông có vẻ dữ dằn, khinh
khỉnh. Cô nhân viên yêu cầu chị phải chứng minh đủ loại giấy tờ, thời gian
ở và học tập tại nước Anh, giấy phép vào nước Pháp … Do bất cẩn, chị
không còn giữ những giấy tờ đó nữa và cũng quan niệm rằng khi mình đã
được cấp thẻ lưu trú từng năm một rồi thì những giấy tờ kia không còn cần
thiết nữa. Thực ra chị ấy đã nhầm, bởi khi một người nước ngoài tới sống
và học tập hay công tác tại Pháp, những giấy tờ đã được cấp dù không còn
dùng hàng ngày nữa, vẫn phải giữ.
Hôm đó, chị ấy cãi dữ dội lắm, cho rằng mình sang Pháp đã ba năm,
cần gì phải trình những giấy tờ trước đó. Nhưng cô nhân viên lại nói rằng
họ cần phải biết chị đến Pháp bằng con đường nào và như thế nào. Kể ra,
họ nói cũng có lý. Nhưng nếu trước đó, không có giấy tờ đảm bảo làm sao
chị có thể làm được thủ tục vào Pháp bằng con đường chính. Nhưng pháp
luật là pháp luật. Cũng có khi người ta cố tình gây khó dễ làm cho đương
sự nản. Người nắm trong tay pháp luật cứ cứng nhắc chiếu theo pháp luật
mà làm, được hay không, họ không quan tâm. Chỉ khổ đương sự mà thôi.
Sau hôm đó, chị mệt mỏi, chán chướng, bỏ luôn, không đến Sở Cảnh sát
một lần nào nữa. Thế là những thàng ngày tiếp theo của chị trôi trong tình
trạng bất hợp pháp. Chị cũng không thể xin việc làm vì không có giấy tờ.
Mệt mỏi, chán chường, chị để mặc. Cũng chẳng hiểu ba năm đó chị sống ra
sao nữa. Giờ đây, khi kể lại câu chuyện của mình với hai cô gái Việt Nam,
chị vẫn còn ấm ức, mắt ứa lệ :
- Vậy là ba năm bỏ công học hành, thêm ba năm sống vất vưởng, tất
cả coi như không được tính vào thời gian Pháp.