Định thắng xe, tắt máy, rút chìa khóa "công tắc" vất vào bụi rậm. rồi anh
mới vỗ vai người lính, chậm rãi nói:
- Bận sau chú đừng la lối om sòm nữa nghe!
Người lính cúi đầu, vân vê mép áo.
- Em xin lỗi thiếu tá.
Định an ủi hắn:
- Lỗi lầm gì, chú lo vác "hàng" xuống xuồng đi.
Tên lính dạ dài. Hắn còn cố dặn anh:
- Thiếu tá đừng nói vụ em la lối với anh Hai nghe.
Định gật đầu. Trong nháy mắt, hai người đã rời chiếc xe, lẹ chân băng vào
bụi rậm. Đi một quãng họ tới bờ sông. Nơi đó, một chiếc xuồng máy đang
neo chờ họ. Người lính ném bao bạc xuống xuồng. Hắn cởi giây neo, giật
máy. Định ngồi trên bao bạc. Chiếc xuồng chạy sang bờ bên kia và men
theo bờ cù lao Hòa hảo xuôi về mạn Châu Đốc.
Anh không cần lo cho đồng bọn. Họ đã có phương tiện để thoát thân.
Xuồng trôi cách bến đò Lăng Gù khá xa, Định ngả người nằm ôn dĩ vãng.
Định xuống Chợ Mới hôm trước, hôm sau bắt tay vào việc ngay. Anh dạy
học ở bên Mỹ Lương. Ở đây buồn lắm. Nắng như thiêu như đốt, bụi bốc
mù trời. Mưa ngày này qua ngày khác, đường xá lầy lội. Con gái đi xe đạp
không thắng, không chuông. Con trai ngờ nghệch, dốt nát. Đàn ông lầm lì,
khó hiểu. Ông già búi tóc hay để lòa xòa dễ sợ. Nhưng tâm hồn mọi người
đều chất phác, thành thực, dễ thương.
Bấy giờ, đúng đầu niên học, trường Mỹ Lương thiếu một giáo sư Anh Văn.
Trên tấm bích chương, nhà trường đã quảng cáo với học sinh rằng sẽ có
giáo sư Đoàn Thu, cử nhân Anh Văn từ Sài Gòn về đây dạy.
Song, giáo sư Đoàn Thu nào đó không về. Và Định, tự nhiên, phải nhận
mình là giáo sư Đoàn Thu.
Một giáo sư bằng lòng về xứ khỉ ho cò gáy này dạy học mỗi giờ nhận tiền
thù lao bốn mươi đồng bạc là một chuyện không thể tưởng tượng nổi. Thế
mà đồng bào Mỹ Lương đã dám tưởng tượng. Nơi đây, người ta thấm
nhuần đạo lý từ lâu. Lại không hay tiếp xúc với dân thành thị nên người ta
dễ tin. Bởi vậy, chỉ cần một nhóm người biết lợi dụng những tâm hồn thành