cậu tú kia đấy! Lúc đó, những người đứng xung quanh nghe cũng có vẻ kính nể y. Nào ngờ, hôm sau
bác khán làng đã gọi A Q đến nhà Cụ Cố họ Triệu. Vừa thấy A Q, cụ mặt bừng bừng mắng ngay:
- A Q! Mày là một thằng khốn nạn mà mày lại dám nhận là họ hàng với tao kia à!
A Q đứng câm miệng.
Cụ càng nhìn, càng giận, sấn tới mấy bước nữa, nói:
- Mày dám nói láo như thế à? Làm sao tao lại họ hàng với thứ mày được? Mày là người họ Triệu
à?
A Q vẫn đứng im thin thít, muốn liệu thế chuồn, nhưng Cụ Cố đã nhảy tới, tát cho một tát vào
mặt.
- Mày là người họ Triệu thế nào được kia chứ? Mày mà họ Triệu vào cái ngữ nào?
A Q không hề biện bác gì về chỗ y chính là họ Triệu hay không cả, chỉ đưa tay sờ vào má bên trái
rồi cùng bác khán đi ra. Ra khỏi cửa, bác khán còn mắng cho một mẻ nữa, đành phải kỉnh cho bác
hai quan tiền rượu. Những người biết chyyện đều cho A Q đến là vớ vẩn, khi không, chuốc lấy trận
đòn oan, chứ nào đã chắc gì mình là người họ Triệu; mà dẫu có quả là người họ Triệu đi nữa thì
trước mặt Cụ Cố, cũng không nên nói dại như vậy. Thế là từ đấy về sau, không ai nhắc đến chuyện A
Q họ gì nữa. Vì vậy mà tôi không biết được thực tình A Q họ gì cả.
Ba là, tôi cũng không biết chữ tên A Q viết như thế nào. Lúc y còn sống, người ta gọi y là A Quây,
đến khi chết rồi thì chả hề ai nhắc đến tên ấy nữa, còn nói gì đến việc chép vào sử sách! Mà nếu như
có việc chép vào sử sách, thì đây là lần đầu tiên đây, cho nên sự khó khăn này tôi vấp trước ai hết.
Tôi từng có lúc nghĩ kỹ rằng : A Quây chính là A Quế hoặc là A Quí đây! Nếu như A Q có cái biệt hiệu
là Nguyệt đình, hoặc giả y đã ăn sinh nhật vào khoảng tháng tám, thì nhất định là A Quế đứt đi rồi.
Nhưng y lại chưa hề có biệt hiệu - mà có nữa cũng không ai biết -, lại cũng chưa hề gửi thiếp cho ai
vào ngày sinh nhật để người ta gửi đến cho những bài thơ chúc tụng, thành ra viết A Quế là võ đoán.
Lại nếu như y có một ông anh hoặc ông em tên là A Phú chẳng hạn, thì nhất định y là A Quí; nhưng y
chỉ trơ trọi có một mình. Vậy viết A Quí cũng chẳng có bằng chứng gì. Còn những chữ lạ khác cùng
âm quây thì tìm không ra. Trước đây, tôi cũng có hỏi qua cậu Tú con cụ Triệu; nào ngờ một người
uyên bác như cậu ấymà cũng mù tịt. Cậu ta lại kết luận rằng đó là tại ông Trần Độc Tú đấy! Ông ta ra
tờ Tân thanh niên rồi đề xướng việc đem chữ Trung quốc mà viết theo lối chữ Tây, thành ra quốc
túy trầm luân, không biết tra khảo vào đâu nữa. Cuối cùng, tôi đành phải nhớ một người làng lục hộ
hồ sơ án A Q xem sao. Ròng rã tám tháng trời, người ta mới trả lời cho tôi rằng : Trong bản án không
hề thấy tên nào đọc na ná là A Quây cả. Không biết có chắc hay không, hoặc giả người ta không tra
khảo gì cả cũng nên, nhưng tôi không còn có cách nào khác nữa. Sợ lối "chú âm phù hiệu" chưa được
thông dụng, tôi đành dùng lối chữ Tây, theo cách phiên âm của người Anh mà viết thành A Quây, và
viết tắt là A Q vậy. Như thế, tôi đã nhắm mắt làm theo bọn Tân thanh niên, trong lòng cũng hết sức
áy náy, nhưng cậu Tú còn bí nữa là tôi đây, biết làm thế nào?
Bốn là quê quán A Q. Nếu như y là người họ Triệu thì theo thói quen hay xưng quận vọng, có thể
chiếu theo chỗ chú giải trong cuốn Quận danh bách gia tính mà nói rằng : y là người "Thiên thủy,