Sơn Tây số giáo sĩ bị chặt đầu nhiều hơn hết. Khổng Tường Hy liền đứng
ra thương thuyết, và dùng rất nhiều vàng bạc đút lót cho tây phương, gọi là
tiền bồi thường. Gia đình nhà họ Khổng còn nhường lại rất nhiều quyền lợi
kinh tế cho tây phương tại Sơn Tây, và nhờ đó cuộc trả thù của tây phương
tại Sơn Tây đã tránh được.
Triều đình nhà Thanh rất cảm kích công lao của Khổng Tường Hy, và cấp
thông hành đặc biệt cho Khổng Tường Hy được sang du học tại Hoa Kỳ.
Khổng Tường Hy học tại đại học Yale, và đậu bằng tiến sĩ về môn kinh tế
tài chánh. Khi trở về Trung Hoa, Khổng Tường Hy làm cố vấn cho sứ quân
Diêm Tích Sơn một thời gian. Về sau Khổng Tường Hy mở trường giáo
dục quần chúng, quảng bá lý tưởng dân chủ. Khi cuộc cách mạng xảy ra tại
những tỉnh khác thì dân chúng Sơn Tây yêu cầu Khổng Tường Hy đứng ra
chỉ huy quân đội tình nguyện của Sơn Tây, bao gồm những cảnh sát và vệ
sĩ của các nhà giàu. Dân chúng muốn Khổng Tường Hy làm tổng đốc Sơn
Tây, nhưng họ Khổng từ chối, và chỉ quan tâm tới vấn đề giáo dục.
Theo Khổng Tường Hy thì việc giáo dục rất quan trọng cho công cuộc cách
mạng, cải tiến đất nước. Họ Khổng tuyên bố, "Chúng ta không thể hoàn
thành cuộc cách mạng một sớm một chiều được. Người ta có thể tiến hành
thành công một cuộc đảo chánh, thay đổi thể chế chính trị trong một đêm.
Nhưng sau đó làm sao chúng ta có người để điều hành chính phủ? Chúng ta
cần phải học tập cách cai trị đất nước, và giáo dục là bước đầu và quan
trọng nhất trong một cuộc cách mạng."
Năm 1910, Khổng Tường Hy kết duyên với một thiếu nữ mồ côi nhưng rất
đẹp, và được học tại một trường truyền giáo. Cả hai người sống rất hạnh
phúc bên nhau được mấy năm tại Sơn Tây. Đến năm 1913, năm mà Viên
Thế Khải trở thành một nhà độc tài tại Bắc Kinh, thì vợ Khổng Tường Hy
mắc bệnh chết. Khổng Tường Hy rất đau lòng và nản chí trước cái chết của
người vợ yêu quý, nên bỏ nước sang Nhật Bản một năm để tìm quên. Chính
tại đây Khổng Tường Hy gặp được Tống Giáo Nhân và Tống Ái Linh.
Trong thời gian còn du học tại Hoa Kỳ, Khổng Tường Hy và Tống Ái Linh
đã gặp nhau một lần trong một buổi tiệc liên hoan năm 1906. Bây giờ gặp
lại nhau, Khổng Tường Hy bỗng say mê Ái Linh. Đối với Tống Ái Linh thì