Tống Mỹ Linh thường được coi là người đẹp nhất trong ba chị em, nhưng
Tống Mỹ Linh chụp hình không ăn ảnh lắm. Gò má Tống Mỹ Linh hơi cao,
và đó là tướng của một người có uy quyền. Các nhà tướng số thường chỉ
vào lưỡng quyền cao của Tống Mỹ Linh và đoán bà sẽ có được quyền lực
chính trị. Trong cái địa vị của một đệ nhất phu nhân trong một nước Trung
Hoa hãy còn phong kiến thì Tống Mỹ Linh có cái uy quyền của một Dương
Qúy Phi đang được sự sủng ái của Tưởng Giới Thạch, một thứ Đường
Minh Hoàng hiện đại. Khi kết hôn với Tống Mỹ Linh, Tưởng Giới Thạch
thừa hưởng cái sự nghiệp chính trị hiển hách cũng như uy tín của Tôn Dật
Tiên, vì Tôn Dật Tiên cũng là rể nhà họ Tống như Tưởng Giới Thạch.
Chính vì thế Tưởng Giới Thạch cũng cảm thấy chịu ơn Tống Mỹ Linh một
phần nào. Thực ra khi Tôn Dật Tiên chết, Tưởng Giới Thạch ước ao được
kết hôn với bà Tống Khánh Linh, góa phụ của Tôn Dật Tiên, bởi vì nếu lấy
được bà Tống Khánh Linh thì Tưởng Giới Thạch sẽ có uy thế chính trị lớn
lao gấp bội. Nhưng bà Tống Khánh Linh vốn khinh tởm Tưởng Giới Thạch,
và bà cũng quyết tâm thủ tiết với chồng, mặc dù bà có nhiều chính khách
tên tuổi theo đuổi, nên họ Tưởng đành lấy cô em vậy.
Gia đình nhà họ Tống ảnh hưởng tới chánh sách của tổng thống Mỹ
Roosevelt về Á Châu trong một thời gian khá lâu dài. Những người nhà họ
Tống rất giỏi khoa giao tế, và biết cách mua chuộc các chính khách Hoa
Kỳ. Ngoài ra sự thành công của họ còn nhờ một phần lớn vào sự ủng hộ
của Henry Luce, một nhà truyền giáo Mỹ rất có thế lực tại Trung Hoa. Các
tạp chí Time và Life của Henry Luce đã tạo huyền thoại quanh gia đình nhà
họ Tống, mô tả họ là những người yêu chuộng dân chủ, và là những anh
hùng dân tộc của Trung Hoa.
Chúng ta hãy theo dõi cuộc đời của ba chị em nhà họ Tống, để xem họ đã
đem lại vinh quang cho dòng họ nhà chồng và dòng họ Tống như thế nào,
và ảnh hưởng của họ đối với chính trường Trung Hoa đầu thế kỷ 20 ra sao.