những người có mặt khiến ta chỉ muốn “đóng chai những rung cảm trong
căn phòng đó và để dành một ít cho những ca đẻ cô đơn hơn”.
Bà mụ cũng có thể được xem là “duyên phận” của tác giả Chris Bohjalian
khi ý tưởng viết quyển sách đến với ông như một sự sắp đặt. Chris kể rằng
khoảng sáu tháng sau khi cô con gái của ông chào đời, vợ chồng ông đến dự
một buổi tiệc tối tại Vermont nơi họ sinh sống, và ngồi cạnh ông là một bà
mụ hành nghề độc lập ở địa phương. Nghe tin vợ chồng ông phải lặn lội lái
xe hơn 50 cây số giữa đêm mới đến được bệnh viện gần nhất để sinh con,
bà đã mỉm cười nói: “Nếu anh chị dùng đến tôi, thì anh chị đã có thể đẻ con
trong phòng ngủ của mình và anh đã có thể đích thân đỡ lấy cháu bé rồi.”
Nhà văn kể lại: “Tôi chưa bao giờ nghe người ta nói động từ “đỡ” trong bối
cảnh sinh đẻ, thế là tôi lập tức cảm thấy thích thú. Ngày hôm sau, chúng tôi
ăn trưa với nhau, và bà chia sẻ với tôi những quyển sách về nghề bà mụ như
Trái tim và đôi tay và Nghề bà mụ thiêng liêng. Rồi bà giới thiệu tôi với
những ông bố bà mẹ từng đẻ con tại nhà. Tôi đã gặp gỡ những bà mụ và bác
sĩ sản phụ khoa khác, và tôi phát hiện ra rằng một câu chuyện tuyệt vời
đang chờ được viết ra.”
Bà mụ (xuất bản năm 1997) là tiểu thuyết thứ năm của Chris Bohjalian. Là
tác giả, Chris nhớ ơn người phụ nữ đã gợi ra cho ông một đề tài sáng tác
tuyệt vời. Là bạn đọc, tôi cám ơn cuộc gặp gỡ định mệnh đó, vì nó là duyên
lành cho sự ra đời của một tác phẩm hé mở về thế giới ít được biết đến của
những bà mụ, của một nghề đang dần mai một. Đọc Bà mụ, thấy đồng cảm
với niềm tin bất biến của những người làm nghề đỡ đẻ vào sự thiêng liêng
không thể thay thế của sinh đẻ tại nhà. Thấy thương hơn những vất vả
“mang nặng đẻ đau” của người làm mẹ, dù ở đâu và bên cạnh ai. Rồi bất
chợt nhận ra, hình như có một lúc nào đó giữa những trang sách, ta đang
nghĩ về giờ phút chào đời của chính ta và thấy yêu mẹ của ta nhiều hơn một
chút.