như thế này: X. Cho nên chúng tôi không đủ dấu thập, và chúng tôi phải thay
bằng dấu chấm.
- Nhưng dùng dấu chấm thì dễ lẫn với dấu chấm câu lắm!
- Không đâu, không đâu! - Số Ba xua tay. - Rất đơn giản thôi: dấu chấm
này đặt cao hơn dấu chấm câu một chút.
- Thế còn cái này là cái gì? - Xê-va lấy trong va li ra một cái hình con con
trông rất ngộ và hỏi Số Ba. - Cái vợt bắt bướm à?
- Bạn này buồn cười tệ! - Số Ba phì cười. - Đấy cũng là một cái dấu. Nó
dùng để khai căn các số. Tên nó là dấu căn.
- Chẳng lẽ các số cũng có căn cứ y như quân lính hay sao? - Xê-va cười
hỏi.
- Khiếp quá! - Số Ba kêu lên. - Cái gì bạn cũng cứ hiểu như theo nghĩa
đen thôi.
- Thế nhưng căn là cái gì cơ chứ?
- Cho phép tôi được trả lời bằng một câu hỏi: ba lần ba là mấy?
- Tất nhiên là chín.
- Giỏi đấy! Nhưng chắc bạn không biết mình đã làm một phép tính rất
quan trọng và hay ho: bạn đã nâng số ba lên lũy thừa!
- Đâu có! - Xê-va phản đối. - Tôi chỉ nhân số ba với chính nó thôi chứ.
- Đúng thế. Nhưng đấy cũng là phép tính nâng lên lũy thừa và là lũy thừa
bậc hai.
- Có lẽ còn lũy thừa bậc ba nữa hay sao? - Ta-nhi-a hỏi.
- Dĩ nhiên rồi. Muốn thế phải nhân chín với ba một lần nữa.
- Nghĩa là ba nhân với ba rồi lại nhân với ba, và đấy là lũy thừa bậc ba
của ba phải không? - Ta-nhi-a nói.
- Rất đúng. Cho nên lũy thừa bậc ba của ba bằng…