với các lực lượng dân quân khởi nghĩa chống xâm lăng, mà đa số binh sĩ
xuất phát từ các đồn điền, người Pháp sực hiểu ra ý nghĩa tổ chức đồn điền
của Nguyễn Tri Phương đã khởi xướng. Do đó đến ngày 20-9-1867, De
Lagrandière ký sắc lịnh giải tán các cơ sở đồn điền, không cho dân chúng
tổ chức hệ thống ấy nữa.
Ngày nay di tích đồn điền trong tỉnh Bạc Liêu Cà Mau nói riêng,
khắp lãnh thổ miền Nam nói chung, ta không thể quên được công lao của vị
Kinh lược đại sứ Nguyễn Tri Phương, cùng viên phụ tá là Kinh lược phó sứ
Phan Thanh Giản, cách đây hơn một trăm năm.
4) CHÙA VĨNH TRIỀU MINH TRONG QUẬN VĨNH
LỢI
Trước kia, tại xã Vĩnh Lợi có rất nhiều người Minh Hương đến lập
nghiệp. Họ ở từng vùng và đặt tên có chữ Vĩnh đứng đầu, với dụng ý hy
vọng sẽ lập nghiệp vĩnh viễn tại đây, như các xã : Vĩnh Trạch, Vĩnh Châu,
Vĩnh Hưng, Vĩnh Mỹ v.v…
Khoảng năm 1895, nhóm người Minh Hương trong vùng Vĩnh Lợi
đứng ra xây cất một ngôi chùa lớn, mang tên là « Vĩnh Triều Minh ». Chùa
nầy là một ngôi chùa cổ nhất trong vùng và hiện nay được gọi là chùa
Minh.
Tương truyền : Một ngày xa xưa, có người Minh Hương già bơi
thuyền trên rạch Giồng me, bỗng thấy hai cái lư hương bằng đồng nổi lềnh
bềnh trên mặt nước ở hai nơi khác nhau. Cho là điềm Trời Phật cảnh tỉnh
mình nên hướng thiện tu trì, ông lão Minh Hương hì hục vớt cặp lư hương
đem lên bờ, cất hai mái tranh che đậy. Nghe đồn, dân chúng quanh vùng
kéo đến chiêm ngưỡng, khấn nguyện. Hữu cầu tất ứng, hằng ngày khách
thập phương lễ bái nườm nượp, quanh cảnh trong vùng trở nên phồn thạnh,
cảnh trí tươi đẹp hẳn lên. Cảm mộ ơn trên gia hộ, nhóm người Minh hương