bèn đóng góp xây cất chỗ chiêm bái cho khang trang, biến hai mái tranh
thành hai ngôi chùa tráng lệ : một ngôi chùa Triều Châu, một chùa Minh
hương tức chùa « Vĩnh Triều Minh » tục gọi là chùa Minh như đã kể trên.
Nhân đây, tưởng nên nói rõ thêm về người Minh hương và tinh thần
yêu nước của họ :
Khi nhà Thanh đánh nhà Minh, một số đông người giống Hán nhà
Minh bỏ nước ra đi. Trong số kéo sang lánh nạn ở nước ta, có ba đoàn
người nay hãy còn ghi nhiều dấu tích oanh liệt.
1) Nhóm Trương Cầu, Mạc Cửu lập nghiệp ở Hà Tiên (chúng tôi sẽ
nói rõ trong tập biên khảo về tỉnh Hà tiên).
2) Nhóm Trần Thượng Xuyên và tỳ tướng là Trần Bình An lập
nghiệp ở Biên Hòa (xin xem quyển Biên Hòa xưa và nay sắp xuất bản).
3) Nhóm Dương Ngạn Địch và tỳ tướng là Huỳnh Tấn định cư ở Gò
Công, Mỹ Tho, rồi sau vì Huỳnh Tấn giết Dương Ngạn Địch, đoàn người
lưu vong trong nhóm thứ ba nầy không phục Huỳnh Tấn, nên lại đem nhau
lên vùng Sài Gòn, lập nên Chợ Lớn còn dấu vết hiện giờ.
Đời chúa Nguyễn Phúc Chu, tất cả mấy nhóm người Tàu sang ta
định cư, đều được lập riêng hai xã là Thanh Hà xã và Minh Hương xã. Gọi
là « xã » chỉ là một giả định về mặt cai trị mà thôi, kỳ thật họ vẫn cư ngụ
ngay trên đất của làng xã Việt Nam, chớ không có ranh giới chi riêng biệt.
« Xã » của họ bấy giờ, gần như một « bang » của người Tàu ngày nay.
Danh từ « Thanh Hà xã » dần dần không được thông dụng, chỉ còn
danh từ xã Minh Hương là được nhắc đến thường. Vì hai chữ « Minh
Hương » nói lên rất rõ tất lòng không quên quê hương đất tổ của nhóm
người Minh lưu vong tị nạn chính trị, hằng nuôi chí giải thoát giống Hán
khỏi ách giống Mãn nhà Thanh. Do đó, nơi đâu có người Minh Hương thì