Hậu Giang, dân Miên thường hoành hành. Vì vậy, người nông dân Việt một
mặt thì cày ruộng, lập làng, một mặt thì đắp đồn lính để phòng vệ… »
Bắt đầu từ năm Kỷ Dậu, 1789, chúa Nguyễn Ánh đặt ra chức quan
Điền toán, cử các ông Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Tùng Châu,
Hoàng Minh Khánh v.v… cả thảy 12 người xung vào chức ấy, chia nhau đi
khắp các nơi ở miền Nam đốc suất dân chúng chăm lo vỡ đất làm ruộng,
khai hoang lập ấp. Đến tháng 10 năm sau (Canh Tuất 1790), đặt sở đồn
điền, giao cho quân đội phụ trách, khiến dân và quân thi đua canh tác hầu
bảo đảm về mặt lương thực và thi đua phòng vệ để bảo đảm về mặt an ninh.
Bốn đội đồn điền nổi tiếng nhất, do tả quân Lê Văn Duyệt điều
khiển, có công mở mang miền Nam rất nhiều. Kịp khi cụ Lê Văn Duyệt
mất, 4 đội ấy tan rã. Nhưng thành tích của họ, khiến đoàn sau noi gương
hăng hái tiến bước trên đường khai thác đất đai, phát triển kinh tế.
Riêng vùng Bạc Liêu, trong năm Tự Đức thứ tư (Quý Sửu 1853),
Kinh lược Nguyễn Tri Phương đã đến đây tổ chức cuộc thiết lập đồn điền
với hai mục đích : vừa bình định vừa khai thác. Những đồn điền cấp phát
cho binh sĩ. Những người nầy lúc bình thường thì lo khẩn hoang làm ruộng,
khi có việc biến thì bỏ cày bừa mà làm nhiệm vụ quân nhân. Ấy là chính
sách rất hữu hiệu về cả hai mặt quân sự và kinh tế.
Tại tổng Thanh Hóa, Nguyễn Tri Phương đã biến đổi 6 làng : Vĩnh
Thạnh, Mỹ Thuận (nay là Vĩnh Mỹ), Bình An, Hòa Thành (nay là Hòa
Bình), Phước Thạnh và Tân Long (nay là Long Thạnh) thành 6 đồn điền.
Cũng có nhiều đồn điền thành lập ở Cà Mau. Ấp Tân Lợi được gọi là Xóm
Sở, chính là một di tích còn lại để chứng minh công nghiệp của Nguyễn Tri
Phương.
Khi binh Pháp chiếm đóng miền Nam để làm bàn đạp tiến ra đánh
miền Bắc, họ vẫn chấp thuận cho dân chúng được lập đồn điền, do Đô đốc
Charner ký sắc lịnh ngày 19-3-1861. Nhưng sau đó, qua cuộc giao phong