Ngoài những di tích trên bước đường lưu vong của chúa Nguyễn
Ánh, còn có một di tích đặc biệt do chính chúa Nguyễn đã đốc suất nhân
dân xây dựng nên. Ấy là miếu công thần tại Cà Mau.
Lúc từ Phú Quốc về, chúa Nguyễn ghé lại bãi Cửa Lớn tại vàm
sông Bãi Háp. Miên man nhớ lại những ngày qua đây hãi hùng lo âu, rồi
tưởng niệm công ơn những người đã tử trận trong cơn hộ giá quanh vùng
Cà Mau, chúa Nguyễn bèn truyền lập một tòa miếu công thần, để hằng năm
khói hương truy điệu.
Tòa miếu nầy đầu tiên xây cất ở một nơi mà về sau chánh quyền
Pháp đã lập bót cò (Gendarmerie). Sau dời về phía bên kia sông gần chùa
ông Tô Xuân (Quan âm cổ tự) và đình làng An Xuyên.
Miếu công thần được thiết lập tại Cà Mau là một minh chứng hùng
hồn về cuộc đời ba chìm bảy nổi của chúa Nguyễn Ánh khi ẩn thân vào
chốn rừng sâu nước độc, nói lên nợ duyên khắng khít của chúa Nguyễn với
nhân dân Bạc Liêu Cà Mau (huyện Trấn Di và huyện Long Xuyên) thuở xa
xưa. Huống chi, chính chúa Định vương (Tức Duệ tông Nguyễn Phúc
Thuần, chú của Nguyễn Ánh) đã bị Tây Sơn vây bắt được tại Cà Mau vào
năm Đinh Dậu 1777 và đem về Sài Côn (tức Sài Gòn bây giờ) hành quyết.
Đây là mối huyết hải thâm thù mà Nguyễn Ánh không sao quên được, khi
thoát khỏi cơn nguy biến đó. Bởi thế, lập miếu công thần, đành rằng để ghi
ơn những ai đã có công hộ vệ, mà kỳ thật thân tâm Nguyễn Ánh muốn lấy
đó đánh dấu nỗi bi thảm nhất tại Cà Mau độ nào.
ĐIỂU ĐÌNH - SÂN CHIM LỚN NHẤT VÀO THỜI
XƯA MỘT NGUỒN LỢI THIÊN NHIÊN ĐÁNG KỂ Ở CÀ
MAU
Nói đến thắng cảnh địa danh ở Bạc Liêu Cà Mau mà không đề cập
đến sân chim nổi tiếng ở vùng nầy, thật là một điều thiếu xót cho việc sưu