tầm. Ngày xưa, tại đây có một sân chim quan trọng, khắp nơi đều nghe
tiếng.
Chỗ sân chim ở là một vùng đất phù sa, hoang vắng còn sình lầy,
ẩm thấp, cây cối um tùm. Nào là vẹt, đước, ráng, choại. Các loài chim chóc
thường chọn chốn nầy để tụ tập cư trú và sinh sống. Thời xưa ông bà chúng
ta theo nho học quen gọi là « Điểu đình » (điểu là chim, đình là sân), nôm
na gọi là sân chim.
Đồng bào miền Nam nước Việt từ Nam Quan tới mũi Cà Mau rất
vinh hạnh được lộc trời ban cho nhiều sân chim như : Rạch Thứ Nhứt, Kinh
Dài, Thầy Quơn, Chắc Băng, Đầm Dơi, Cổ Cò v.v… Sân chim lớn nhứt tại
Cái Nước, rộng hơn 7 mẫu tây, ở Bà Hính, đọc trại là ấp Nhà Thính, chạy
dài theo sông Bãi Háp ngày nay là quận Cái Nước thuộc vùng Cà Mau.
Cách xa khu vực nầy một ngàn thước, dân cư vẫn thấy hơi chim từ
mặt đất xông lên như bốc khói, ngạt mùi phân chim tanh hôi nồng nặc.
Thường ngày, vào khoảng bốn, năm giờ chiều, chim từng đoàn bay về tổ,
vây vần trên không như đám mây to, che phủ một góc trời. Chim chóc quần
tụ nơi đây đông vô số. Đủ các loài chim lớn nhỏ như : cò, séo, diệc (vạc), le
le, vịt nước, cồng cộc, lông ô, già đãy, bồ nông, chó đồng, v.v… Có nhiều
loại chim to lớn như thằng bè (chàng bè) đôi cánh dài hơn hai thước. Cũng
có loại chim như già sói cao tới một thước ba mươi phân, cánh dài tới 5 tấc.
Khi chim ngóng cổ, đưa đầu sói sọi như sọ dừa, xa trông chim già sói giống
như một nhà nông mặc áo tơi.
Bộ Đại Nam nhứt thống chí và tập Nam kỳ lục tỉnh, có ghi một
đoạn về « Điểu đình » (sân chim) như sau :
« Những chim ở ngoài biển đến đậu từng bầy không biết muôn ngàn
nào mà kể. Thường năm, đến kỳ đẻ trứng có trà hộ ngạch bao lãnh nạp thuế
ấy, gọi là thuế Điểu đình và lấy cánh lông bán cho lái buôn Trung Hoa ».