- Đây có phải là những chiếc bánh lằm bằng đường hoá học không? Bánh
ngon quá.
- Ồ cô nói gì vậy! Đào đâu ra đường hoá học ở cái xó hẻo lánh này? Đường
ta vẫn ăn đó thôi. Thế vừa rồi cô không để ý là tôi lấy đường trong lọ
đường bỏ vào chén trà cho cô à.
- Vâng, đúng là đường ta vẫn ăn thật. Tôi đã xem các bức ảnh, và hình như
món trà này cũng là loại trà chính cống phải không ạ?
- Trà ướp hoa, dĩ nhiên.
- Mua đâu ra vậy?
- Như trong chuyện tấm thảm thần ấy mà. Chúng tôi có một người quen.
Một nhà hoạt động thời mới, rất khuynh tả, đại diện chính thức của Hội
đồng kinh tế quốc dân tỉnh này. Ông ta chở gỗ từ đây lên thành phố và, do
chỗ quen biết, vẫn mang bột mì, bột bánh và bơ về cho chúng tôi. (Đoạn
chị ta quay sang phía chồng). Mình ơi, mình đẩy giúp tôi cái lọ đường với.
May chửa, bây giờ xin hỏi cô nhà văn Griboedov mất năm nào?
- Sinh năm 1795 thì phải. Còn bị giết năm nào thì tôi không nhớ chính xác.
- Cô uống trà nữa nhé?
- Thôi, cám ơn bà.
- Bây giờ xin hỏi câu này. Hoà ước Nimveghen được ký khi nào và giữa
những nước nào?
- Đừng hành các vị ấy nữa, Elena. Mình nên để người ta nghỉ ngơi đôi chút
sau một cuộc hành trình vất vả.
- Hay chửa, bây giờ tôi muốn biết điểm này. Xin các vị cho biết có bao
nhiêu loại kính phóng đại và trong trường hợp nào ta thu được ảnh thực,
ảnh ảo, ảnh dảo, ảnh đứng?
- Nhờ đâu mà bà am hiểu vật lý học đến thế?
- Ở Yuratin chúng tôi trước có một giáo sư toán học lỗi lạc. Ông ấy dạy ở
cả hai trường trung học, trường nam và trường nữ chúng tôi. Ông ấy giảng
hay lắm, hay không thể tưởng tượng được! Y như một vị thánh! Tựa hồ
ông ấy nhai sẵn rồi mớm cho chúng tôi. Tên ông ấy là Pasa Antipop, vợ
ông ấy cũng dạy học ở thành phố. Đám nữ sinh, cô nào cũng chết mê chết
mệt vì ông ấy. Ông ấy tình nguyện ra mặt trận và không trở về nữa. Bị giết.