bình yên sau những ngày xông pha sóng gió trùng dương. Lấy hết sức
bình sinh, ông dặn dò các con và những người tâm phúc từng gắn bó:
- Ta còn phải phấn đấu để cho ngọn cờ của công ty người Việt Nam ta
phất phới trên năm châu bốn biển, để cả thế giới biết đến tài trí của con
người Việt Nam.
Trăn trối xong điều tâm huyết nhất, Bạch Thái Bưởi xuôi tay nhắm
mắt. Con người tiên phong trên con đường “chấn hưng thương trường, cổ
động thực nghiệp”, tiêu biểu cho của giới doanh nghiệp tư sản dân tộc
nước Nam trong những năm đầu thế kỷ XX đã về cõi thiên thu, thọ 58
xuân. Ngày 28.7.1932 ông được an táng tại sở mỏ than Bí Chợ (Quảng
Yên), gần núi Yên Tử – cách Hải Phòng chừng năm chục cây số.
Thương tiếc Bạch Thái Bưởi, nhiều trí thức, doanh nhân bấy giờ đã
bày tỏ niềm cảm phục sâu sắc. Ông Hội trưởng Hội khai Trí Tiến Đức đã
đọc điếu văn: “Ông là một nhà thực nghiệp nhưng rất nhiệt thành về các
công việc xã hội. Phàm công cuộc gì tỏ ra cái nghĩa đoàn thể, cái chí hợp
quần của người mình, ông cũng sốt sắng mà tán thành. Ông muốn cho
người Nam ta cũng biết hội họp nhau để mưu tính những việc công ích như
người các nước, khỏi mang tiếng là một dân tộc rời rạc,không biết tương
thân tương ái với nhau. Bởi thế nên khi mấy anh em đồng chí bàn muốn
lập một cái đoàn thể lớn để tiêu biểu cho quốc dân, ông vui vẻ nhận lời
ngay, và liền xuất tài xuất lực, cổ động cho thành...
Nước Nam ta vẫn mang tiếng là một nước văn nhược, không đủ tư
cách ra cạnh tranh với cái đời thực nghiệp này. Ông đem cái tài doanh
nghiệp, cái chí kiên gan mà tỏ cho thiên hạ biết rằng An Nam cũng có
người có trí khôn, có nghị lực, kinh lý được những sự nghiệp lớn về
công thương, chẳng kém gì người ngoài. Mà ông làm được thành công,
khiến cho thiên hạ phải phục.
Cái sự nghiệp kinh doanh của ông, cái nhân cách gan góc mạnh bạo
của ông, cái đức tính kiên nhẫn cần cù của ông thực đáng làm gương cho