Trong lời đầu này của bộ sách, chúng tôi cũng muốn kể lại với quý vị
một vài câu chuyện và một vài so sánh mà PACE luôn tự hào khi tìm thấy
nó trong hành trình Khát vọng Doanh trí của mình trong suốt những năm
vừa qua:
Bà chủ một tiệm tạp hóa suốt ngày không vui vì buôn bán ế ẩm.
Nhưng sau những ngày tháng nhìn vào “mắt” khách hàng, bà chợt nghĩ:
“Sao tôi không là người giải quyết vấn đề nhu yếu phẩm cho cả xóm?”. Và
mọi chuyện thay đổi. Từ đó, nhiều gia đình chưa khá giả trong khu phố có
thể mua một, hai gói mì tôm (mà không cần phải mua cả thùng mì), một
tép bột ngọt (mà không cần phải mua cả gói bột ngọt). Bà có thể mở cửa
lúc mờ sáng hay nửa đêm, khi chẳng còn nơi nào bán hàng nữa để đáp ứng
nhu cầu “hết chanh đột xuất” hoặc “nhà không còn nước mắm”. Hay hơn
nữa, mọi người chỉ “xẹt” một hai bước chân là có ngay những vật phẩm
cần thiết nhất cho gia đình. Lại thêm chuyện giá cả của bà so với chợ
và siêu thị cũng chẳng chênh lệch là bao. Ai cũng đoán ra kết quả: cửa
tiệm suốt ngày người ra kẻ vào, bà thì bán hàng luôn tay và cười nói luôn
miệng. Không chỉ tiền lãi thu được tăng cao, mà bà còn có “lợi nhuận” lớn
nhất là sự quý mến của mọi người dành cho một người biết kinh doanh
như bà.
Câu chuyện thứ hai về một cơ sở sản xuất tủ sắt. Người ta thường
mua tủ của cơ sở này về để đựng hồ sơ. Một cơ sở bé xíu rất đỗi bình
thường thì liệu có mang trong người “sứ mệnh xã hội”? Trong một thời
gian dài, cơ sở hoạt động cầm chừng, cho đến một ngày ông chủ của nó
thay đổi cách nghĩ: tôi không “bán tủ sắt” nữa, mà sẽ “bán giải pháp
lưu trữ hồ sơ văn phòng”. Từ đó, ông và đồng sự tiến hành nghiên cứu để
tạo ra những cái tủ sao cho có thể chống được mối, mọt, chống thấm, ngăn
tủ này thì có khóa kiên cố để đựng hồ sơ quan trọng, ngăn tủ khác thì
không cần khóa để dễ kéo ra kéo vào... Ông cũng chịu khó đi đến các văn
phòng để nghiên cứu màu sơn, thay đổi kích cỡ, kiểu dáng... Thế là sản