phẩm của ông còn thêm tính năng làm đẹp cho cả văn phòng của các công
ty. Chỉ sau một thời gian ngắn, cơ sở của ông đã lột xác và phát triển rất
nhanh.
Như vậy, doanh nghiệp lớn hay nhỏ tùy thuộc vào vấn đề xã hội mà họ
giải quyết được. Bà chủ tạp hóa của khu phố nọ cùng Sam Walton (ông
chủ tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart) đều giải quyết vấn đề
mua sắm của xã hội thông qua việc mở cửa hàng bán lẻ. Họ chỉ khác
nhau về phạm vi: xã hội của bà chủ tiệm tạp hóa là một khu phố, còn xã
hội của Sam mang tầm cỡ thế giới.
Điều xã hội quan tâm không phải là doanh nghiệp đó kiếm được bao
nhiêu mà là họ đã mang lại gì cho cộng đồng. Chẳng hạn, trong khi tỉ phú
Nhật, Toyoda (“cha đẻ” của Toyota), với tinh thần ái quốc được người
Nhật xem như anh hùng dân tộc thì tỉ phú Nga, Khodorkovsky (ông chủ
của Yukos), ông ta là ai trong mắt dân Nga thì chỉ người Nga mới thấu rõ.
Sự khác
nhau này có lẽ do cách thức kiếm tiền của họ.
Nghề kinh doanh, xưa nay vẫn thường bị hiểu chỉ như là nghề “kiếm
tiền”. Nhưng thực chất, không hề có nghề kiếm tiền, bởi nghề nào thì cũng
kiếm tiền cả. Chẳng hạn, luật sư kiếm tiền bằng việc hành nghề luật, bác
sĩ kiếm tiền bằng cách chữa bệnh cứu người... Và doanh nhân, người hành
nghề kinh doanh, cũng kiếm tiền bằng cách lãnh đạo một doanh nghiệp
và thông qua doanh nghiệp đó để giải quyết vấn đề hay đáp ứng nhu cầu
nào đó của xã hội. Nhưng điều khác biệt của nghề kinh doanh là trong
quá trình hành nghề của mình doanh nhân không hành động một cách đơn
lẻ mà biết kiến tạo ra các chuỗi giá trị. Cụ thể hơn, họ nắm lấy một
doanh nghiệp và tập hợp bên mình nhiều thành viên để cùng cộng
hưởng lại nhằm hình thành một sức mạnh tổng lực, từ đó tạo ra nhiều
giá trị hơn cho xã hội. Đó cũng chính là lý do mà nghề kinh doanh
thường kiếm được nhiều tiền hơn so với những nghề khác và vẫn được
cộng đồng xã hội ủng hộ.