nhượng bộ. Tôi đã có một chuyến đi ngắn thăm gia đình bên tôi và Jai ở
nhà với các con. (Tôi đã không bị lây bệnh cúm.)
Tôi biết là bạn sẽ nghĩ gì. Ðôi khi thật khó sống cùng những nhà khoa
học kiểu như tôi.
Jai đối xử với tôi bằng cách thẳng thắn. Khi tôi vượt ra khỏi khuôn khổ,
cô sẽ cho tôi biết. Hoặc cô nhắc nhở tôi: “Có điều gì đó làm em khó chịu.
Em chưa biết rõ đó là điều gì. Khi biết được, em sẽ nói với anh.”
Ðồng thời, với bệnh tình của tôi, Jai nói cô đã học được cách để bỏ qua
một số thứ lặt vặt. Đó cũng là đề nghị từ người tư vấn của chúng tôi. Bác sĩ
Reiss có biệt tài giúp các cặp vợ chồng cân bằng cuộc sống gia đình khi một
người bị mắc bệnh hiểm nghèo. Những cuộc hôn nhân như của chúng tôi rất
cần phải tìm cách để đạt được “một trạng thái bình thường mới.”
Tôi khá là cẩu thả. Quần áo của tôi, sạch cũng như bẩn, vứt lung tung
khắp phòng ngủ, và chậu rửa trong phòng tắm thì luôn bị tắc. Những thứ đó
làm Jai vô cùng khó chịu. Trước khi tôi bị bệnh, cô thường kêu ca. Còn bây
giờ bác sĩ Reiss khuyên cô không nên để những thứ nhỏ nhặt ngáng trở
chúng tôi.
Tất nhiên là tôi phải ngăn nắp hơn. Tôi nợ Jai ngàn lời xin lỗi. Còn Jai
thì đã thôi không còn nhắc nhở tôi về những điều nhỏ nhặt làm cô khó chịu
nữa. Liệu chúng tôi có muốn sống mấy tháng cuối cùng với nhau để cãi vã
về việc tôi không treo quần kaki lên đúng chỗ? Tất nhiên là không. Do vậy,
Jai đá quần áo của tôi vào một góc để đi tiếp.
Một người bạn của chúng tôi khuyên Jai nên có một cuốn sổ ghi chép
hàng ngày, và Jai nói điều đó đã giúp ích rất tốt. Cô viết vào đó những điều
làm cô bực bội về tôi. “Randy không cho dĩa ăn vào máy rửa bát.” - một
buổi tối cô viết. – “Anh ấy để đĩa lại trên bàn, rồi ra máy tính của anh ấy.”
Cô biết là tôi bận tâm, cần lên internet để tìm kiếm các liệu pháp y học.
Mặc dù vậy, chiếc đĩa ăn để lại trên bàn lại làm cô bực bội. Tôi không thể
trách cứ cô. Cô viết về điều đó, cảm thấy dễ chịu hơn, và chúng tôi không
phải lại bắt đầu cãi vã với nhau.