không còn tìm được dấu vết. Nhờ chuyện chiếm đóng của Hán về sau, ta có
tài liệu để suy đoán thêm là Triệu Đà vẫn để con cháu nhà Thục giữ vùng
Tây Vu, xưng là Tây Vu Vương cũng chẳng sao, nghĩa là các thủ lãnh ở các
nơi khác vẫn trông coi phần đất, dân lệ thuộc mình. Các sự kiện được ghi
lại rời rạc, chắp nối như thế không cho ta thấy rõ những thay đổi trong
vùng – chắc cũng không nhiều, nhưng cả hàng thế kỉ tiếp xúc trực tiếp với
quyền lực Hán tộc, dù của địa phương, hẳn cũng không phải là không có
chút ảnh hưởng nào. Khi quân Hán tiến đến bờ cõi Âu Lạc cũ thì hai viên
điển sứ của Triệu đã đem cống bò, rượu mừng và dâng sổ bộ hai quận.
Cung cách giao tiếp không những đã có tính cách nghi lễ mà chi tiết còn
chứng tỏ rằng những người cai trị của Triệu đã làm việc kiểm kê dân số
trong vùng, hẳn là khác với lúc “tự do” trước kia.
Vai trò của nhà Triệu trong nước Việt ngày sau đã gây nhiều tranh
cãi và tuy có lúc bị phủ nhận nhưng kết quả để lại đã sâu đậm hơn là ta
tưởng. Quyển sử chính thức đầu tiên cho Đại Việt, quyển Đại Việt sử kí
, và
quyển Đại Việt sử lược
tiếp theo, cả hai đều sắp xếp nhà Triệu như một
triều đại Việt. Cho nên không lấy làm lạ là tập họp sử chính thức tiếp theo,
viết cho đến thế kỉ XVII cũng không đổi khác mà còn ghi chi tiết hơn:
Người nối ngôi Triệu Đà là con Trọng Thuỷ, hàm ý con của Mị Châu với
mớ lông ngỗng bay đâu đó. Những lời tán dương Triệu Đà không suy suyển
qua các thời đại. Tuy nhiên dần dà thì tính chất tách rời hệ thống phương
Bắc cũng sâu đậm hơn nên lại thấy có phản ứng ngược như trường hợp Hồ
Sĩ Dương trong lời bình khi soạn lại Lam Sơn thực
lục
(1679), vương vấn
gợi nhớ thời chống Minh: “Vũ Đế nhà Triệu… chẳng qua cũng là một
người Hán sang cai trị nước ta, chưa được chính thống.” Hơn hai trăm năm
sau, Ngô Thì Sĩ tuy cũng phủ nhận nhưng lúng túng trong tinh thần dân tộc
hơn: Ông cho thời kì Triệu là “ngoại thuộc” nhưng với các triều Hán…
Đường thì ghi là “nội thuộc.” Một khoảng cách rành rẽ trong thời gian
người Pháp cai trị qua đến thời kì kháng chiến giành độc lập khiến cho vấn
đề loại trừ nhà Triệu mang tính dứt khoát hơn (Đào Duy Anh).