Anh bộ đội lại chỉ sang những hình ảnh và hiện vật khác, tiếp tục giới thiệu. Anh nói giọng
bắc nhưng rõ ràng, rành mạch, dễ nghe. Theo sự dẫn dắt của anh, chúng tôi ngược thời gian
theo bước chân các anh bộ đội đi qua những chặng đường chống Pháp gian lao. Cả lớp, kể cả
những đứa nghịch nhất, cũng im lặng chăm chú nghe. Một số đứa hí hoáy ghi chép. Tôi thì tò
mò dòm những khẩu súng lạ mắt kê trên những bục gỗ và cố lại gần đọc những hàng chữ
ghi trên đó.
Khi chúng tôi bước qua phòng thứ hai, một anh bộ đội khác đón chúng tôi. Còn anh bộ đội
cũ
thì quay lại phòng mình để tiếp tục hướng dẫn tốp người tham quan mới. Cứ như vậy,
chúng tôi đi xem hết phòng này đến phòng khác, nhiều ơi là nhiều! Các anh bộ đội làm công
việc hướng dẫn, có cả các chị bộ đội nữa, thật là giỏi, không cần nhìn vô sách mà cứ nói thao
thao về các trận đánh, giới thiệu các chiến dịch và giảng giải tỉ mỉ các hiện vật trưng bày.
Tổ chúng tôi đi xúm xít cạnh nhau. Cũng như tôi, mấy đứa kia ngoảnh đầu ngoảnh cổ ngắm
không thiếu một thứ gì. Thằng Quang có tật táy máy, thấy gì lạ cũng đưa tay sờ. Nó mâm mê
cái nỏ, nhận xét:
- Hồi đồng khởi ngộ quá mày hén! Đánh giặc bằng mấy thứ này, tức cười ghê!
Tức cười thiệt! Kế cái nỏ là mấy ngọn giáo, mũi bằng gỗ, không biết hồi đó chiến sĩ ta sử
dụng như thế nào! Tôi đang thắc mắc thì Đại chỉ một khẩu súng:
- Cây súng này ngộ chưa cà!
Tôi nhìn theo tay Đại chỉ và thấy một ống sắt giống như khúc tre có chân chống, không ra vẻ
gì là một vũ khí hết. Sau khi đọc những hàng chữ ghi chú, chúng tôi mới biết đó là súng ngựa
trời của du kích Củ Chi dùng trong ngày đồng khởi. Nhưng điều đó chưa lý thú bằng phát
hiện của Quang:
- Súng AK báng xếp của anh hùng Lê Mã Lương, tụi mày ơi!
Truyện Lê Mã Lương trong thư viện trường đứa nào cũng đã đọc qua nên khi nghe Quang
reo lên, chúng tôi vội vàng xúm lại quanh khẩu AK đã đi vào huyền thoại kia. Cả mấy đứa tổ