Thằng Quang biết thân biết phận, không dám hó hé gì về việc này, cũng không dám bênh
bên nào bỏ bên nào . Vả lại, đối với nó, học nhà đứa nào cũng vậy thôi . Nhà nó ở tít rạp hát
Hương Bình, đạp xe tới nhà tôi hay nhà Bảy, đằng nào cũng toát mồ hôi hột.
Chỉ có tôi và Bảy là tranh chấp quyết liệt về địa điểm. Thấy tôi không thèm "ngó ngàng" gì
đến "gian hàng" và đàn em của nó, Bảy giở "bửu bối" ra:
- Chân tao thế này !
Nhưng lần này tôi quyết không động lòng trước miếng đòn lợi hại của nó, tôi khịt mũi:
- Thường ngày mày vẫn qua nhà tao mượn truyện được mà !
Nghe nói đến "truyện", Bảy giật mình và sực nhớ ra tôi có một miếng đòn còn hiểm ác gấp
mấy lần miếng đòn của nó. Những lần cãi nhau trước đây, khi thế trận còn giằng co giữa hai
bên tôi thường giáng đòn quyết định: không cho Bảy mượn truyện nữa . Đòn luôn luôn
trúng đích: Bảy tối tăm mặt mũi . Và bao giờ cũng vậy, nó đầu hàng vô điều kiện. Thực ra
thư viện trường tôi không thiếu sách, nhưng những loại sách đó, Bảy không màng. Nó chỉ
mê loại sách giật gân mà anh tôi thường mua . Anh tôi làm việc ở nhà máy giấy trên Thủ
Đức. Hai, ba tuần, có khi cả tháng, anh mới về nhà một lần. Lần nào về cũng có sách mới .
Những ngày anh tôi về thăm nhà không phải ba má tôi hay anh em tôi mà chính Bảy là
người sung sướng nhất.
Vì lẽ đó, khi nghe tôi nó đến "truyện", Bảy thở dài xuôi xị :
- Thôi, vậy cũng được !
*
* *
Được làm "thầy" thiên hạ, tôi khoái lắm. Ngay buổi học chung đầu tiên, tôi bắt mỗi đứa phải
sắm một cuốn tập để làm "sổ tay văn học".
Quang ngơ ngác: