Thấy Bảy nổi cộc, tôi không dám chọc nó nữa . Ai chớ nó đã nổi cộc thì kinh lắm. Tôi lấy
cuốn sổ tay văn học của tôi ra cho hai đứa coi . Đó không phải là cuốn tập thông thường mà
là một cuốn sổ tay giấy ca-rô dày tới hai trăm trang, bìa có bọc xi-mi-li màu đỏ.
Cuốn này ba tôi tặng tôi năm ngoái nhân dịp tôi lên lớp bảy . Đến nay, tôi đã chép những
đoạn văn, thơ hay vào gần nửa cuốn sổ. Đó là một công trình thật sự mà không phải đứa nào
trong lớp tôi cũng làm được. Đúng ra thì ở lớp các thầy co dạy văn vẫn thường khuyên
chúng tôi làm sổ tay văn học nhưng để biến lời khuyên đó thành hành động lâu bền thì lại
phải đòi hỏi hứng thú. Tôi phải nói rằng chính ba tôi là người đã dạy cho tôi sự say mê đọc
sách và thói quen ghi chép. Trước đây có một thời ba tôi là nhà báo . Dù bây giờ ông đã
chuyển sang công tác khác, cái thói quen đọc và ghi ngày xưa vẫn còn và ông hết lòng
truyền lại cho tôi .
Ông khuyên tôi nên đọc kỹ những sách báo nào và chỉ cách rút ra những điều cần thiết từ
những trang sách. Còn những loại sách giải trí, ông không cấm tôi đọc nhưng nhắc nhở tôi
đừng để mất thời giờ nhiều cho những loại đó. Vì vậy mà tôi không sa vào vết chân của anh
tôi và của thằng Bảy .
Đọc và ghi dần dần trở thành một thú vui bổ ích đối với tôi . Và dĩ nhiên là kết quả của nó
không có gì đáng phàn nàn, tôi học văn ngày càng tiến. Chỉ có một điều là, những gì tôi làm
được với môn văn tôi đều không làm được với những môn khác.
Bảy và Quang tranh nhau đọc cuốn sổ của tôi . Tụi nó hít hà khi thấy những trang giấy dày
đặc những chữ, dòng nào dòng nấy ngay ngắn, rõ ràng và dưới những đoạn văn đều có ghi
chú cẩn thận tên tác phẩm, tác giả.
Quang vuốt ve cái bìa, khen:
- Đẹp quá hén !
Bảy thực tế hơn:
- Mày cho tao mượn về nhà ít bữa nghen ! Tao chép vô cuốn sổ của tao .
Lời đề nghị của Bảy khiến Quang giật mình: