giải quyết từng công việc cụ thể. Chàng nhân viên ngoại giao trẻ Ban
Ki Moon đã được học hỏi và rèn luyện bởi nhà ngoại giao xuất sắc
No Shin Young từ những việc nhỏ cho đến việc lớn. Đó là nền tảng,
một bước đệm vững chắc cho quá trình trở thành nhà ngoại giao
xuất chúng của Ban Ki Moon.
No Shin Young luôn coi trọng vai trò của sự giao tiếp giữa người
với người. Vì vậy, ông thường nhấn mạnh tầm quan trọng của thư từ
và điện thoại.
“Mỗi lần điện thoại đổ chuông chẳng khác nào việc ai đó gõ cửa
phòng bạn, cách bạn trả lời điện thoại cũng giống như thái độ bạn ra
mở cửa.” Ngoài ra, “đừng bao giờ dẹp những bức thư trên bàn sang
một bên nếu như chưa hồi đáp.”
Theo No Shin Young, hồi đáp thư ngay là nguyên tắc làm việc cơ
bản. “Chính vì vậy, ông thường dặn dò nhân viên sắp xếp thư gọn
gàng và hồi đáp sớm nhất có thể. Ban Ki Moon không bao giờ quên
lời khuyên của No Shin Young về việc nhớ ký tên vào các bức thư dù
là thư đánh máy được in ra hay là thư viết tay.
No Shin Young đã nỗ lực chỉ dẫn Ban Ki Moon “phải trung thực
với nguyên tắc nền tảng”. Điều này ai cũng biết nhưng lại rất dễ
bỏ qua. Có thể nói, khó ai có thể sánh được với No Shin Young về
tấm gương một nhà ngoại giao cẩn thận, tỉ mỉ và cung cách quản lý
tinh tế. Ban Ki Moon đã học hỏi và tiếp thu được rất nhiều điều
từ người thầy lớn của mình. No Shin Young cũng luôn đề nghị Ban
Ki Moon tháp tùng mình trong những dịp quan trọng như lễ nhậm
chức Đại sứ Hàn Quốc tại Ấn Độ khi hai nước chính thức thiết lập
quan hệ ngoại giao, hay trong các chuyến công tác của mình tại
Bangladesh, Afghanistan. Đối với ông, sự có mặt của Ban Ki Moon
khiến ông cảm thấy yên tâm hơn, và Ki Moon cũng học hỏi được
rất nhiều điều từ những chuyến đi thực tế này.