Như vậy, những người sẽ bị trừng phạt ngoài Lý Tuấn Tùng ra, còn ai
nữa? Cảnh sát buộc phải có sự chú trọng thích đáng đối với câu hỏi này.
Giám đốc Tống lại nói: “Nếu thông tin đã lan rộng, thì không cần thiết
phải che giấu nữa. Tôi thấy có thể đưa ra thông cáo yêu cầu toàn thành phố
hợp tác hỗ trợ cho việc điều tra. Treo một khoản tiền thưởng phù hợp cũng
được. Tiến hành một trận đánh toàn dân, cho dù hắn ẩn náu sâu đến đâu,
cũng phải moi ra bằng được! Ngoài ra trong quá trình điều tra, cần người
cần của đến đâu, cậu không phải lo lắng - tôi không đưa ra bất cứ hạn chế
nào đối với cậu.”
La Phi đáp: “Vâng!” Lãnh đạo nói ra những lời như vậy, đã thể hiện rõ
thái độ phải phá án bằng bất cứ giá nào. Điều này đối với La Phi vừa là sự
ủng hộ, đồng thời cũng là áp lực.
Sau khi mọi việc đều được bố trí thỏa đáng, Giám đốc Tống quay sang
Đường Triệu Dương đang ngồi bên cạnh hỏi xin ý kiến: “Bí thư Đường,
anh thấy thế nào?”
Đường Triệu Dương không trực tiếp trả lời đối phương, ánh mắt ông
chăm chú nhìn vào La Phi. Sau khi tập trung nhìn hồi lâu, ông lên tiếng:
“Đội trưởng La, tôi biết anh là một cảnh sát ưu tú. Anh đã từng phá rất
nhiều vụ án, đối thủ ghê gớm hơn nữa anh cũng không sợ. Cho nên những
lời động viên, những lời nghiêm khắc, tôi nghĩ đều không cần nói, tôi tin
vào năng lực của anh. Tôi chỉ muốn giải thích về lý do tại sao hôm nay tôi
có mặt ở đây.” Sau khi dừng lại giây lát, ông nhấn rõ từng câu từng chữ:
“Bởi vì Lý Tuấn Tùng, anh ấy đã từng cứu sống con trai tôi.”
Giám đốc Tống nói thêm: “Con trai bí thư từng mắc chứng tăng ure
máu do suy thận, chính Lý Tuấn Tùng đã làm phẫu thuật thay thận. Cuộc
phẫu thuật thành công, hồi phục cũng rất tốt.”