23
Rất nhiều phạm nhân sau khi kết thúc án phạt không thể nào tham gia
lao động, vì phần lớn các đơn vị cải tạo lao động đều đã đông chật người.
Hình phạt của tôi là bốn năm, trừ đi hai năm trong trại giam, thời gian còn
lại không nhiều, vì thế tôi liền làm lao động viên, coi như chịu hình ngay tại
trại giam.
Phòng giam của lao động viên tốt hơn một chút, ban ngày cửa phòng
cũng không bị khóa, nói theo cách khác, như vậy là tương đương với ở
phòng cấp ba lên phòng cấp hai, từ hộ khẩu nhà quê chuyển sang hộ khẩu
ngoại thành. Vì tham gia lao động, những lao động viên chúng tôi cũng khá
tự do, có lúc còn có thể theo cảnh sát ra ngoài mua thức ăn hoặc chuyển rác
thải, ngắm nhìn cảnh đông đúc ngoài phố, ngửi mùi khí thải ôtô hoặc hương
thơm tóc đàn bà. Nhưng thông thường chúng tôi sẽ không chớp thời cơ
chạy trốn, chẳng ai lại muốn làm việc ngốc nghếch tham bát bỏ mâm.
Chúng tôi người thì trồng rau, người thì phụ bếp, người cho lợn ăn, người
quét dọn vệ sinh hoặc sửa chữa ôtô, phân ra thành các tổ lao động nhỏ.
Trong đó, tổ sửa xe có hiệu quả kinh tế tốt nhất, địa vị cũng cao nhất, không
những được ăn hương hoa thêm nếm bên ngoài, có lúc tổ viên còn có thể
xin nghỉ phép một hai ngày về thăm nhà.
Tôi không biết sửa ôtô, song dù gì cũng là một sinh viên, ngoài việc viết
biểu ngữ, ra báo tường, còn có thể dạy phụ đạo cho con em của cán bộ cảnh
sát học bài. Về sau tôi được giảm thời gian chịu án cũng là vì đã dạy tốt con
của hai cán bộ cảnh sát, giúp bọn trẻ thi đỗ vào một trường trung học trọng
điểm - khổ thân mấy đứa nhỏ phải sống cùng bố mẹ ở vùng ngoại thành
khốn khó này, quả thực khó mà gặp được trường học và giáo viên tốt. Tôi
nhớ trong đám học sinh đứa kém nhất là Xa Tiểu Long, con lớn của quản
giáo Xa, học đến lớp bốn rồi mà bảng cửu chương vẫn chưa thuộc, chữ
“giáp” toàn viết thành chữ “do”. Một lần tôi hỏi cậu ta số bị trừ là gì, cậu ta