co rúm người lại, miệng lắp bắp:
- Ta muốn gặp lại các con. Ta chưa hề xử tệ với ông. Ta mong ông hãy gia
ân. Dù sao…
Lời van vỉ của Huệ tôn khiến Trần Thủ Độ bừng tỉnh hẳn. Nhìn tấm thân
gầy guộc, khuôn mặt sầu héo toát lên vẻ ươn hèn ngu tối của một đấng
quân vương, lòng viên tướng dấy lên nỗi khinh ghét, tởm lợm. Một ý nghĩ
thoáng nhanh trong óc ông: “Đứng đầu một dân tộc quật cường như Đại
Việt mà là kẻ ngu hèn kia sao? Tiếc thay cả dòng họ nhà ta đi khuông phò
một tên vô lại”. Đoạn ông nói, lời nói rành rõ như một lời khuyến cáo, lời
huấn dụ mà cũng là lời tâm sự thốt lên từ đáy lòng ông:
- Đất nước ngàn cân treo sợi tóc. Bên ngoài người Tống ráo riết nhòm ngó.
Bên trong bè đảng nổi lên. Mỗi kẻ trấn trị một phương, cái họa nồi da xáo
thịt chỉ là sớm tối. Dân tình đói khổ, rên xiết vì nạn sưu cao thuế nặng của
triều đình. Nạn cướp bóc, nạn ức hiếp của giặc giã và bọn hào lý trùm lên
đám cùng đinh. Phải lấy non sông xã tắc làm trọng.
Nói tới đây, Trần Thủ Độ liếc nhìn Lý Huệ tôn, rồi ông nói tiếp: - Bệ hạ
phải thoái vị!
Huệ tôn tuy đã lường trước được việc này, nhưng ông không ngờ nó lại xảy
ra sớm thế, khiến ông bủn rủn cả tay chân, miệng há hốc, mặt trắng bệnh
như sáp, nhưng không thốt ra được một lời, như kẻ chết không kịp ngáp.
-Vậy ý bệ hạ thế nào? - Trần Thủ Độ gặng hỏi.
-Ý ông là ý ta. Việc phải làm thế nào thì ông cứ thế mà làm. Có điều ta
muốn biết, ai sẽ thay ta? Ông hay Nguyễn Nộn?
- Nhà vua nghĩ quẩn! - Trần Thủ Độ giậm chân thét lớn. - Nguyễn Nộn là
giặc của triều đình, bệ hạ coi tôi như một tên giặc hiếp vua? Quá đáng, quá
đáng!
Lý Huệ tôn thật sự lúng túng, ông cũng không biết nói thế nào cho hợp ý
quan điện tiền. Giây lâu, ông tiếp:
- Hay ta bắt chước người xưa, nhường thiên hạ cho ông? - Huệ tôn ngừng
lời để dò biết ý tứ Trần Thủ Độ.
- Nhà vua chưa đủ tư cách của một người hiền để làm việc đó. Thiên hạ
không phải của riêng bệ hạ mà muốn cho hay giữ thế nào cũng được. Ngày