trước hoàng thiên hậu thổ, về tội soán đoạt của anh em chú cháu nhà nó.
Hãy vì trăm họ mà tru diệt hết cả cánh họ Trần nhà chúng nó, thì dù thân
con có vùi nơi chín suối cũng được hả hê lòng dạ…”.
Chiêu Hoàng, Thuận Thiên ngơ ngác không hiểu vua cha nguyền rủa ai.
Nhưng lọt tai thái hậu từng lời; từng lời như những mũi tên thuốc độc bắn
vào trái tim tan nát của bà. Người bà như hụt hẫng. Trước mắt bà như có
trăm ngàn ngọn bạch lạp lung linh, bay nhảy hỗn loạn. Mắt hoa lên, bà lịm
đi rồi khuỵu xuống. Trước khi ngã, bà còn kêu được mấy lời: “Bệ hạ! Bệ
hạ, oan cho thiếp!”
Biết có thái hậu ở phía sau, nghe rõ cả lời kêu than của bà, Huệ tôn vẫn
không thèm ngoảnh lại. Trong khi đó, Thuận Thiên, Chiêu Thánh vẫn chăm
chú theo dõi vua cha, không hề biết ở phía sau, mẫu hậu vừa lịm ngất, Huệ
tôn ghé tai nói nhỏ với Chiêu Hoàng: “Nếu Trời - Phật độ trì, lớn lên con
khôi phục được kỷ cương sáng rõ. Con nhớ trừ hết phe đảng họ Trần”.
Xong, ông trút bỏ lớp áo ngự, để lộ ra tấm áo hoà thượng và nếp mũ nhà
sư. Huệ tôn giơ một bàn tay lên đặt trước ngực, tay kia ông xoa đầu vĩnh
biệt các con. Rồi ông đi thẳng về chùa Chân Giáo. Từ nay ông mang pháp
hiệu: Huệ quang thuyền sư.
============
1. Khoảng phía nam sông Thiên Đức, nay thuộc huyện Văn Giang, Hưng
Yên.
2. Điện chí kính: Nơi thờ phụng tổ tiên của nhà vua từ năm đời trở lại.
3. Nhà thái miếu: Nơi thờ phụng từ khởi tổ họ nhà vua trở đi.
4. Tam giáo gồm: Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo.
5. Nghe lời tâu của Thái phó Đàm Dĩ Mộng, năm Mậu ngọ (1198), Cao tôn
xuống chiếu thải bớt nhà sư, bắt phải hoàn tục, hạn chế việc cấp độ tiệp cho
những kẻ muốn xuất gia.
6. Hiến phù: lễ thắng trận, đem tù binh về dâng trước nhà thái miếu.
7. Lễ tế trời đất thường vào dịp đầu năm.
8. Đăng quang: Ngày lễ vua mới lên nối ngôi.
9. Dâm Đàm: tên cũ của Hồ Tây.