- Sao ông không nhắn cho tôi một lời? - Nguyễn Nộn hàm ý trách móc.
- Có. Tôi có mật bàn với nhà vua. Đức vua cũng đã ưng thuận. Tôi bèn thảo
chiếu Cần vương, mật ước với ông và Đoàn Thượng cùng đem binh về
kinh, chúng tôi nội ứng.
Mặt Nộn đỏ bừng bừng, đôi tròng mắt rực sáng lên, gặng hỏi:
- Chiếu đâu?
- Tiếc thay, quan thừa chỉ thở dài - chiếu đó lọt vào tay Trần Thủ Độ.
- Việc lớn, sao các ông lại làm ăn hồ đồ thế?
- Không phải tôi hồ đồ, mà Trần Thủ Độ mưu cao. Ông ta đoán định được
mọi điều có thể xảy ra.
- Tiếc quá! Tiếc quá! Nguyễn Nộn tỏ vẻ xót xa - Nếu việc đó không bại lộ,
tôi cùng Thượng đem quân về, mọi sự xong cả rồi. Xong cả rồi!
- Chưa chắc đâu ông bạn ạ. Quan thừa chỉ lắc đầu - Tôi là người thấy viêïc
nghĩa thì xả thân làm, chứ mình tính chưa cặn nhẽ.
- Thế là thế nào? Nộn hỏi. - Trần Thủ Độ có biết là ông thủ mưu không?
- Biết! Ông ta biết quá đi chứ.
- Sao y không giết ông?
- Thế mới bực. Khi bắt được tang vật, ông ta lờ đi như không. Chỉ có điều
giám sát nghiêm mật. Ba tháng sau, ông ta cho tôi ra coi châu Ngệ An.
Trước khi đi, ông ta cầm tay tôi nói vài lời “Tôi giết ông thì dễ quá. Nhưng
ích gì. Lập tức có cả trăm người dám vì ông mà dấy nghĩa. Tôi giết ông,
mang tội giết người hiền. Đời nguyền rủa tôi. Người hiền bỏ tôi đi hết.
Nhưng ông nghĩ mà xem, việc tôi, việc ông làm có gì khác? Giữa nhà Lý
mà đứng đầu là một ông vua mất trí, và một bên là sinh linh trăm họ, ông
coi bên nào trọng hơn? Tôi thà chịu tiếng bất trung còn hơn mang tiếng ngu
trung. Tôi vì trăm họ chứ không vì đức vua. Tôi quyết sả thân để giang sơn
đất nước không rơi vào cái hoạ tranh chiến thập nhị sứ quân, nồi da xáo
thịt. Việc này tuỳ ông xử. Ra Nghệ An, ông có thể trương cờ nghĩa theo
chiếu Cần vương, cùng với tướng quân Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng, ba mặt
úp về kinh. Nếu việc các ông làm nhân nghĩa hơn tôi, tôi xin tự trói mình
chịu chết, cho đất nước được thái bình”.
- Thế ra tới Nghệ An ông đã làm những gì? Nộn hỏi.