Sự lan truyền hiện tượng cộng hưởng cảm xúc có thể được giải thích
dựa vào hệ thống neuron phản chiếu. Các nhà khoa học cho rằng
những neuron ở vùng vỏ não tiền vận động của loài khỉ trở nên vô cùng
linh hoạt khi chúng hành động có chủ đích (cầm, nắm). Khi quan sát
hành vi của con người, vùng vỏ não tiền vận động của khỉ được kích hoạt
và chúng bắt chước những gì quan sát được.
Hiện tượng tương tự cũng diễn ra ở con người. Nhưng con người không
chỉ bắt chước hành vi, mà còn tiếp nhận và bắt chước cảm xúc của
người khác. Khi các đối tượng tham gia thí nghiệm quan sát ảnh chụp
những người đang trải qua cảm giác đau đớn, vùng não xử lý cảm giác đau
đớn của họ cũng biểu lộ cùng cảm giác. Tuy không chịu đựng cơn đau nào
nhưng cơ chế sinh học thần kinh của họ phản ứng như thể đang trải
nghiệm cơn đau thật sự.
Nhưng khác với loài vật, chúng ta có xu hướng cảm thông với trạng thái,
cảm xúc của người khác. Và đó cũng chính là hiệu ứng cộng hưởng mà
Welch đã đạt được khi anh tiếp tục màn biểu diễn. Sau khi đảo ngược tình
thế qua lời tự giới thiệu thông minh và gãy gọn, anh đã tiếp cận hiện
tượng dòng chảy cảm xúc và bước tiếp bước thứ hai để khẳng định sự hiện
diện có tác động thay đổi bằng cách thu hút và lôi cuốn khán giả vào
màn trình diễn.
Welch vẫn diễn như thường lệ, nhưng anh đã có sự hòa điệu với khán
giả. Và anh đã thành công. Anh kể: “Sau buổi diễn, mọi người vây lấy tôi.
Thật tuyệt vời! Họ nói với tôi rằng ‘Không ngờ anh lại diễn hay đến vậy’”.
Thật ra cho đến hôm nay, Welch vẫn làm quản lý cửa hàng Barnes &
Noble. Anh đã không trở thành một diễn viên hài nổi danh. Nhưng trong
buổi tối hôm đó, anh đã thật sự tỏa sáng.