là có nhiều câu thừa, nhưng kinh nghiệm đã cho tôi thấy rằng bảng đó rất
có ích. Nó chẳng những giúp bạn phát triển lòng tự tín và nghị lực, rèn
luyện nhân cách mà còn chỉ cho bạn biết phải luyện lòng tự tín với trình độ
nào để đạt được mục đích bạn đã tự vạch.
Ông O. S. Marden nói: “Tự xét để biết rõ năng lực của ta thì mới có ích;
còn nếu tự xét để an phận trong chỗ kém cỏi thì hại vô cùng”.
Vậy bạn phải coi bảng đó như một tên hướng đạo dắt bạn tới thành công,
chớ đừng dùng nó để biết tại sao bạn thất bại. Nếu bạn thấy mình còn kém
ở phương diện nào thì đừng cam tâm chịu cảnh kém cỏi đó mà phải hăng
hái tu thân để tiến tới.
Có hai loại tự tín.
Nếu bạn muốn làm một người hoạt động, có cá tính dồi dào, bộc lộ, như
một nhà doanh nghiệp, một viên giám đốc, một người bán hàng, luôn luôn
giao thiệp với nhiều người thì bạn phải luyện lòng tự tín tới một trình độ rất
cao, để đủ can đảm nhìn đời, thản nhiên nhận những bất mãn chua chát, yên
lặng chịu những thất bại đau lòng, rồi lại chiến đấu nữa, vững như đá trong
sự quyết định cũng như trong lòng tự tín. Còn nếu bạn muốn làm một nghệ
sĩ hoặc một nhà bác học, nghĩa là bạn muốn sáng tác, tìm tòi, nghiên cứu
thì bạn nên có lòng tự tín một cách vừa phải thôi, để có thể nhận định rõ
ràng những nỗi khó khăn, những ngành mình sẽ thất bại và những ngành
mình sẽ thành công chắc chắn.
Tóm lại, tự tín là điều kiện quan trọng nhất mà muốn tự tín thì phải biết
mình.