Tiền sạch, tiền bẩn
Không phải tất cả công ty bình phong trong “tài liệu Panama” là bất hợp
pháp hoặc mờ ám. Một số công ty được Công ty luật Mossack Fonseca tư
vấn có hoạt động kinh tế thật sự và có khai báo hoặc được lập ra để tham
gia đầu tư quốc tế.
Nhưng theo nhóm nhà báo điều tra quốc tế thì phần lớn công ty trong hồ
sơ được sử dụng như công ty bình phong dùng che giấu tài sản dưới tên giả.
Vì thế có thể nói trong vụ Mossack Fonseca, tiền sạch xen lẫn tiền bẩn,
tiền xám (tiền xuất phát từ gian lận thuế) xen lẫn tiền đen (tiền có được từ
tham nhũng hoặc của hoạt động tội phạm có tổ chức)…
Những khách hàng của Mossack Fonseca muốn che giấu thân phận và tài
sản của mình đều được “bảo mật” bằng nhiều lớp vỏ bọc của 3-4 công ty
khác nhau đặt ở nhiều nước. Các nhà báo điều tra ví nó như bộ búp bê
Matryoshka của Nga để các cơ quan thuế vụ và tư pháp khó lòng lần ra
được tên họ đích thực của người nắm giữ số tài sản đó.
Các nhà báo điều tra cũng thừa nhận chưa thể khai thác hết số tài liệu
đang có trong tay nhưng xét theo hàng ngàn thông tin trao đổi nội bộ giữa
các nhân viên của Mossack Fonseca mà họ đã phân tích thì cũng đủ thấy
những người chủ trương thực hiện công ty bình phong để giấu tài sản luôn
biết cách lách luật, đi trước những quy định của luật pháp tài chính quốc tế.
Lấy ví dụ vào năm 2011 khi chính quyền quần đảo Virgin thuộc Anh,
dưới áp lực quốc tế, buộc phải từ bỏ hệ thống “ẩn danh” cho khách hàng thì
người ta thấy tình trạng khách hàng chuyển sang Panama hoặc quần đảo
Seychelles, những nơi vẫn còn cho phép kiểu ẩn danh đó.
Khi được hỏi về vai trò và trách nhiệm của mình trong vụ này, phía Công
ty luật Mossack Fonseca biện hộ rằng mình chỉ làm dịch vụ cho khách hàng
và đá quả bóng trách nhiệm gian dối sang cho 14.000 trung gian khác (gồm
các ngân hàng lớn trên thế giới, các văn phòng luật, các công ty quản lý
quỹ…) được cho là đóng vai trò đại diện cho những người chủ tài khoản
đích thực.