Một gia đình trung bình điển hình ở Mỹ có tài sản ròng vào
khoảng dưới 15.000 đô-la, chưa tính giá trị nhà ở. Bỏ qua những
khoản cần thiết như phương tiện đi lại, nội thất và những thứ
tương tự, hãy đoán xem kết quả là gì? Thông thường, giá trị tài sản
tài chính như cổ phiếu và trái phiếu của gia đình đó là 0. Một gia
đình Mỹ trung bình như thế có thể tồn tại bao lâu nếu không có
tiền lương hàng tháng? Chắc chỉ một hai tháng gì đó thôi. Ngay cả
nhóm những hộ hàng đầu (giả sử chiếm 20%) ở Mỹ cũng chưa hẳn
là giàu có. Tính trung bình, giá trị ròng của một hộ chưa đến
150.000 đô-la, và khi trừ đi giá trị nhà ở thì con số này rớt xuống
dưới mức 60.000 đô-la. Thế còn người cao tuổi thì sao? Nếu không
có sự hỗ trợ của chính sách an sinh xã hội thì phải có đến gần một
nửa số người Mỹ trên 65 tuổi lâm vào cảnh đói nghèo, khốn khổ.
Chỉ có rất ít người Mỹ sở hữu những dạng tài sản tài chính phổ
biến nhất. 15% số gia đình ở Mỹ có tài khoản ký thác trên thị
trường tiền tệ; 22% có biên lai tiền gửi; 4,2% có quỹ thị trường
tiền tệ; 3,4% có trái phiếu doanh nghiệp hoặc trái phiếu đô thị;
chưa đến 2,5% có cổ phiếu và quỹ tương hỗ; 8,4% có tài sản cho
thuê; 18,1% có trái phiếu tiết kiệm; 23% có tài khoản tích lũy từ
nguồn thuế thu nhập.
Thế nhưng có đến 65% số gia đình sở hữu nhà riêng và hơn
85% sở hữu ít nhất là một phương tiện đi lại. Xe hơi đang nhanh
chóng bị mất giá, còn tài sản tài chính lại có xu hướng lên giá.
Những triệu phú mà chúng tôi đề cập đến trong cuốn sách này
đều độc lập về mặt tài chính. Họ có thể duy trì lối sống hiện tại
của mình đến lúc chết mà không cần nhận thêm dù chỉ một đồng
tiền lương hàng tháng. Đa số họ không phải hậu duệ của các tỉ phú
như Rockerfeller hay Vanderbilt. Hơn 80% trong số này chỉ là
những người bình thường tự mình tích lũy của cải một cách từ từ,
đều đặn, chứ không nhờ ký được một hợp đồng trị giá hàng trăm