[Sa hố]
Chả ai biết được
Sau khi rơi vào cái hố sẽ thế nào
Cho nên mỗi bước đi đều phải thận trọng
Tôi càng không nên biết
Phía trước tôi chính là định mệnh dở khóc dở cười.
Tết Trùng Dương (còn gọi là tết Trùng Cửu) vào ngày mùng
chín tháng Chín hằng năm theo Âm lịch. Trong Kinh Dịch, người ta
coi số sáu là số âm, số chín là số dương. Ngày mùng chín tháng
Chín cả tháng và ngày đều là số dương, hai số chín gặp nhau
nên gọi là tết Trùng Dương hay Trùng Cửu. Người xưa cho rằng
đây là ngày tốt đáng để ăn mừng. Những hoạt động trong ngày lễ
Trùng Dương vô cùng phong phú, thường bao gồm việc đi dã ngoại
khám phá thiên nhiên, lên núi ngắm cảnh, ngắm hoa cúc, đeo
cành thù du, ăn bánh Trùng Dương, uống rượu hoa cúc… Từ “cửu”
trong “cửu cửu Trùng Dương” đồng âm với từ “trường cửu”, số
chín lại là số lớn nhất nên nó có ý nghĩa lâu dài, trường thọ. Hơn
nữa mùa thu cũng là mùa thu hoạch, vì vậy tết Trùng Dương rất
có ý nghĩa.
Lại một mùa thu đến sớm.
Ánh sáng bạc nhảy múa trong không gian giống như gợn sóng
lăn tăn trên mặt nước xanh thẳm, những phiến lá phong đỏ ối dưới
chân núi đung đưa trước gió, giống như một dải lụa đào. Ngọn núi
Đại Nguyệt chìm trong bầu không khí dịu dàng, ấm áp, lại đon đả
đón chào những du khách tới ngắm cảnh. Từng đoàn khách lố
nhố men theo con đường lát sỏi đi đến chân núi.