YẾU TỐ ĐỊNH HÌNH SUY NGHĨ THỨ
HAI: LÀM THEO KHUÔN MẪU
Cách thứ hai để suy nghĩ của chúng ta được định hình là làm theo khuôn
mẫu, hay bắt chước. Cha mẹ và những người có ảnh hưởng lên bạn yêu
thích hay căm ghét gì trong lĩnh vực liên quan đến tiền bạc trong khoảng
thời gian bạn đang lớn? Ai trong cha mẹ bạn hay cả hai đều quản lý tốt tiền
bạc hoặc họ không biết quản lý tiền bạc? Họ là những người tiết kiệm hay
có thói quen chi tiêu nhiều? Họ là những nhà đầu tư khôn ngoan hay không
hề quan tâm đến lĩnh vực này? Họ là những người chấp nhận mạo hiểm hay
những người bảo thủ? Tiền bạc luôn có sẵn trong nhà bạn hay thất thường?
Tiền bạc có dễ đến trong nhà bạn hay nó đến rất khó khăn? Tiền bạc có là
nguồn vui trong nhà bạn hay là nguyên nhân của những tranh cãi cay đắng?
Tại sao những thông tin này lại quan trọng như vậy? Có lẽ bạn đã nghe câu
này: “Bắt chước như khỉ”. Vâng, con người cũng không khác là bao. Khi
còn là những đứa trẻ, chúng ta đã học hỏi hầu như mọi thứ từ thế giới xung
quanh bằng cách bắt chước.
Mặc dù phần lớn chúng ta không thích công nhận điều này, nhưng đó hoàn
toàn là sự thật trần trụi trong câu châm ngôn cổ: “Quả táo không rơi quá xa
gốc cây táo”.
Tôi nhớ câu chuyện về một phụ nữ rán thịt chuẩn bị cho bữa tối luôn bằng
cách cắt bớt một chút ở hai đầu miếng thịt. Trông thấy vậy, người chống tỏ
ra ngạc nhiên và hỏi nguyên nhân tại sao cô lại làm như thế. Cô đáp: “Đó là
cách mẹ em vẫn thường làm”. Tình cờ hôm ấy mẹ cô đến ăn tối, và họ hỏi
bà tại sao bà cắt đi hai đầu của miếng thịt trước khi cho vào chảo rán. Bà
mẹ đáp: “Bà ngoại các con vẫn làm như vậy”. Thế là họ quyết định gọi điện
cho bà ngoại để hỏi tại sao. Trả lời của bà ngoại? “Bởi vì cái chảo của bà
quá nhỏ!”