Hãy kiểm tra điểm số của bạn cẩn thận. Nếu bạn chọn cột “Thường xuyên”
từ ba lần trở lên trong số các hành vi trên, bạn đủ điều kiện trở thành người
có hành vi tìm kiếm sự chấp thuận. Những hành vi mà bạn làm “Đôi khi” có
thể phản ánh hoặc cách tương tác với những người khác và mức độ “hiểu
biết chính trị”, hoặc những hành vi này có thể chỉ ra bạn đang cố gắng xây
dựng sự tự tin theo cách tạo ra căng thẳng. Hãy dừng lại và xác định bạn
căng thẳng đến mức độ nào khi bạn làm những hành vi này.
Khi chúng tôi lần đầu tiên gặp Stacy, cô thể hiện một số ít các hành vi này:
cô ấy là người cầu toàn, là người nói “có” khi cô thực sự muốn nói “không”.
Cô chuẩn bị quá kĩ lưỡng cho các cuộc họp, kiểm soát chi li từng tình
huống, và không ngừng thể hiện bản thân mà không mong nhận lại điều gì.
Sự căng thẳng do Stacy tự áp đặt đã dẫn đến tình trạng mất ngủ. Ngay cả khi
cô nhận được lời khen ngợi, cô cũng chỉ nhún vai mà không cho phép mình
nhận sự động viên tích cực từ người khác.
Loại 2: Hành vi ngăn chặn sự phản đối
Mô hình thứ hai này cho thấy hành vi không nhằm mục đích được người
khác chấp thuận, mà là để ngăn chặn sự phản đối của họ. Như bạn có thể
thấy trong Hình 6.4, những người có hành vi này nghi ngờ họ thông minh,
có khả năng, hoặc xứng đáng như thế nào (như hiển thị ở góc dưới bên trái
sơ đồ). Động lực này (thể hiện khi di chuyển lên phía bên trái của tam giác)
là để ngăn chặn người khác phát hiện ra những sai lầm hay thiếu hụt này.
Điều quan trọng là không ai khác biết về những nghi ngờ, vì họ sợ họ sẽ mất
đi sự tôn trọng (ở bên phải hình tam giác).
Lý do là khi chúng ta quá coi trọng ý kiến của người khác, thông tin phê
bình từ họ có thể khiến cá nhân ta cảm thấy mình bớt quan trọng. Cảm xúc
tiêu cực này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng tự tin của chúng ta.