Phải hết sức can đảm, một công ty mới dám nhìn xa về tương lai
và chấp nhận thay đổi vì căn bản mà nói thì có rất ít sản phẩm mới
có thể gây được tiếng vang ngay lập tức. Mọi người thường nhận thức
về những gì đột phá, mới mẻ một cách muộn màng, chứ ít khi ngay
thời điểm chúng xuất hiện. Thành công đến rất chậm qua những
lời truyền miệng và những lời chứng thực từ các phương tiện truyền
thông; nhưng một khi thị trường đã bắt đầu chấp nhận thì chính
công ty thực hiện sự đột phá sáng tạo đó sẽ được xem là người phát
ngôn chính thức cho chủng loại sản phẩm mà họ đã dày công phát
triển.
Trong một số trường hợp - như Hoover hay Xerox chẳng hạn -
thương hiệu gắn kết vô cùng chặt chẽ với sản phẩm sáng tạo đến
nỗi tên thương hiệu dần trở nên đồng nghĩa với sản phẩm. Với một
số trường hợp khác - như Sony chẳng hạn - thương hiệu phát triển
nhiều chủng loại sản phẩm độc đáo, mới mẻ khác nhau đến nỗi tên
của nó được liên tưởng với chính sự đột phá.
Cho dù là chiều hướng nào đi nữa thì vẫn không ai có thể phủ
nhận rằng sự đột phá sáng tạo là cuộc chơi của những người dám đặt
cược cao, bởi chi phí cho việc nghiên cứu và phát triển một sản phẩm
mới là hết sức lớn và người đầu tư có thể phải đối mặt với những
thất bại nặng nề. Điều này có nghĩa là, khi một doanh nghiệp
quyết định thực hiện việc đột phá thì chắc chắn họ sẽ đầu tư rất
nhiều tiền của. Suy cho cùng, việc đột phá tiên phong sẽ trở nên dễ
dàng hơn nếu bạn đã tự mình thực hiện những bước đi vững chắc
đầu tiên.
1. Adidas