Trước hết bạn nên dành thời gian để đọc. Tại sao ư? Bạn cần tìm đọc
các tài liệu, công trình, bài viết liên quan trực tiếp, gián tiếp đến đề tài,
để biết được những người đi trước đã khai thác vấn đề đến đâu, đã đạt
được kết quả gì, vẫn còn điều gì chưa được đề cập hoặc giải quyết chưa
thấu đáo. Như vậy bạn sẽ hình dung được điều mình làm là gì và không
lặp lại những gì người khác đã làm. Nhờ đó, bạn bắt đầu hình thành một
đề cương để thảo luận với thầy hướng dẫn. Bạn cũng cần biết rằng, toàn
bộ những tài liệu đã đọc ấy sẽ giúp bạn viết nên mục lịch sử nghiên cứu
vấn đề, nằm ở phần Mở đầu của khóa luận.
Sau khi thảo luận với thầy hướng dẫn và được thầy góp ý, gợi mở, bạn
đã có trong tay đề cương chi tiết của khóa luận. Đề cương này cũng có
thể còn thay đổi: thu hẹp hoặc mở rộng, tùy thuộc vào nguồn tư liệu và
kết quả khảo sát tư liệu trong quá trình thực hiện. Đây là chuyện thường
thấy.
Cấu trúc chung của một khóa luận tốt nghiệp (của cả luận văn thạc
sĩ, luận án tiến sĩ) là gồm ba phần: Mở đầu (Dẫn nhập), Các chương, Kết
luận. Tuần tự như tiến, không ít bạn sẽ bắt tay viết phần Mở đầu trước.
Không sao cả. Nhưng bạn có biết rằng bạn không cần bắt đầu với Mở
đầu không? Hãy để đến khi hoàn tất các chương chính của khóa luận,
bạn viết Mở đầu cũng không muộn, đấy là chưa nói, có thể đó là cách
làm khôn ngoan, vì bạn sẽ mô tả chính xác hơn những gì khóa luận đã
thực hiện, những kết quả khóa luận đã đạt được.
Bạn đừng ngại tiếp xúc với giáo viên hướng dẫn. Hãy dũng cảm nói
để thầy cô biết điều mình không biết, chưa hiểu, lúng túng. Đừng giữ
nỗi lo trong lòng, đừng giấu dốt. Vì là lần đầu tiên làm nghiên cứu, bao
nhiêu là điều mới lạ, nên bạn có thể hiểu hết ngay mọi chuyện mới là…
không bình thường. Hãy học hỏi chân thành, với thái độ cầu thị, thầy cô
sẽ chỉ cho bạn cần bắt đầu từ đâu, lấy tư liệu thế nào, xử lý ra sao. Tỉ mỉ,
từng bước một. Thầy cô là người hướng dẫn mà! Nhưng bạn cũng nhớ
hết sức cố gắng, tự giác và chủ động làm việc, chứ đừng ỷ lại. Chính bạn
là người thực hiện công trình, chứ không ai khác.
Trình bày khóa luận
Các bạn không cần băn khoăn tự hỏi phải trình bày khóa luận ra sao,
vì bạn đã có cẩm nang hướng dẫn trình bày hình thức khóa luận/đồ án
tốt nghiệp do trường, khoa hoặc bộ môn đào tạo cung cấp. Từ cách trình
bày trang bìa, trang bìa trong, phông chữ, cỡ chữ…, đến nguyên tắc dãn
dòng, canh lề, đánh số trang, chú thích… mọi chi tiết đều được chỉ dẫn
rõ ràng. Một khóa luận có hình thức trình bày đúng chuẩn bao giờ cũng
chiếm được cảm tình của người đọc ngay từ trang đầu tiên. Nhớ kiểm
tra kỹ từng trang để đảm bảo không còn sót lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp,
110