bạn học ca sáng thì làm thêm ca chiều và ngược lại, như thế bạn sẽ vẫn
còn buổi tối để học bài, làm bài, rèn luyện thêm kỹ năng hoặc tham gia
câu lạc bộ nào đó.
Có nhiều bạn, khi mới vừa làm thì luôn tự hứa rằng sẽ xem việc làm
thêm là phụ, việc chính vẫn là học, nhưng đến khi dấn thân vào thì
không dứt ra được, dù học kỳ vừa rồi học 7 môn thì rớt 3. Vì vậy, các bạn
hãy lập kế hoạch chi tiết, cụ thể từng ngày: giờ nào dành cho việc học,
giờ nào để làm thêm, lúc nào giải trí, nghỉ ngơi… và tuân thủ một cách
chính xác. Có như thế, các bạn mới tránh được tình trạng sa đà vào việc
phụ mà quên việc chính. Đã có rất nhiều trường hợp các bạn Sinh viên
do chạy theo công việc làm thêm mà thi rớt quá nhiều môn, rồi đâm ra
chán nản và cuối cùng là dở dang việc học.
Giải quyết rắc rối tại nơi làm việc
Luôn có những rắc rối mà chúng ta buộc phải đối mặt, mỗi ngày: đi
làm trễ giờ, tranh luận với sếp, cãi nhau với khách hàng, bị nghi ngờ vì
một lỗi lầm của người-không-phải-mình gây nên… Giải quyết như thế
nào đây?
Trước hết, bạn phải thay đổi đồng hồ sinh học của cơ thể để tránh
trường hợp “định ngủ thêm một tí, nhưng cuối cùng thành một tiếng”
và cuống quýt lao đến chỗ làm để phải nhìn những ánh mắt khó chịu,
không hài lòng từ cấp trên và mọi người. Và nếu như lỡ đã trễ giờ làm
thì thay vì tìm ra một nguyên nhân nào đó nghe có vẻ lọt tai để lấp liếm,
bạn hãy nhanh chóng gọi điện báo với cấp trên trực tiếp. Bạn hãy luôn
thành thật trước sai phạm của mình, chịu khiển trách, chấp nhận bị
phạt, thậm chí bị trừ lương và sau đó rút kinh nghiệm, không tái phạm.
Đổi lại, chắc chắn bạn cũng không thích làm việc cùng những người
thường xuyên đi trễ chứ? Thế thì bạn đừng biến mình thành mục tiêu để
mọi người chỉ trích vì một vài lý do bạn cho là hợp lý.
Khả năng xảy ra tranh luận với sếp là có thật. Tuy nhiên, vấn đề đặt
ra là tại sao bạn phải tranh luận: để bảo vệ quan điểm hay chỉ nhằm
khẳng định cái tôi? Cách bạn mở đầu và kết thúc cuộc tranh luận sẽ
khiến sếp bạn quyết định có để bạn tiếp tục công việc hay không. Sếp
bạn, ông - bà chủ nơi bạn làm việc, sẽ rất thích nếu có một nhân viên
dám nhìn thẳng vào sự thật, tự tin trình bày vấn đề, mạnh dạn phản
biện… nhằm cải thiện môi trường làm việc. Tuy nhiên, bạn cần ý thức về
giới hạn của mình để “khoanh vùng” các đề tài tranh luận. Đừng làm
mất thời gian của mọi người chỉ vì muốn thể hiện kiến thức sách vở và
sự hiểu biết uyên thâm của bạn. Chẳng ai hứng thú nghe bạn trình bày
mấy chuyện đó đâu, mà không chừng bạn còn bị mất việc đấy.
151